Lập hồ sơ Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử: Chuyên gia ICOMOS đưa ra nhiều kinh nghiệm
Trung tuần tháng 8 vừa qua, GS Hea Un Rii (Lý Huệ Ân), Chủ tịch ICOMOS Hàn Quốc đã được Tổ chức ICOMOS (Hội đồng quốc tế về di tích - di chỉ) của UNESCO cử sang Việt Nam thẩm định bước đầu về Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử. Qua đi thực tế và tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp cũng như tiếp xúc với các nhà khoa học sau chuyến đi, GS Hea Un Rii đã cho những gợi ý bước đầu về việc lập hồ sơ di sản thế giới cho Yên Tử với nhiều kinh nghiệm rất đáng quan tâm.
Một góc chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)
Đối với quy trình lập hồ sơ đề cử đệ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới, GS Hea Un Rii khẳng định đây là một chặng đường rất gian nan. Thời gian để có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh ít nhất phải cần từ 5-10 năm, thậm chí có nước mất tới 20 năm. Điều này cho thấy, việc lập hồ sơ đòi hỏi quyết tâm lớn, bền bỉ của cả 3 tỉnh trong vùng di sản là Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Với Yên Tử, bản đăng ký trước đây của Chính phủ Việt Nam gửi UNESCO chỉ có tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang, nay bổ sung thêm tỉnh Hải Dương nên phải sớm đăng ký lại.
Chuyên gia của ICOMOS dành sự quan tâm đặc biệt khi chia sẻ về kinh nghiệm quản lý của các nước khác nhau đối với những di sản có tính chất liên vùng tương tự như Yên Tử. GS Hea Un Rii cho rằng, 3 tỉnh hơi phiêu lưu khi lập hồ sơ Yên Tử trên địa bàn cả 3 tỉnh, bởi như vậy quần thể di sản giống như một bức tranh lớn ghép từ những bức tranh nhỏ. Giống như Yên Tử, Hàn Quốc cũng có di sản thế giới Bếch-chê thuộc phạm vi các tỉnh khác nhau, với khâu quản lý cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Để quản lý tốt khu di sản này, các địa phương đã lập một văn phòng chung để quản lý, có 1 quỹ điều phối hoạt động này ở cả 3 thành phố, quận, huyện. Các làng đều có đại diện trong đó, họ liên lạc chủ yếu qua email. Di sản ở mỗi làng có đặc điểm riêng, họ có cách làm riêng nhưng nhận sự hướng dẫn chung từ văn phòng trung tâm.
Am Ngọa Vân, nơi Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông
hóa Phật trầm mặc trên núi Bảo Đài (Quảng Ninh)
Do vậy, với Yên Tử, bà Hea Un Rii cho rằng cũng cần làm với cơ chế tương tự để đảm bảo hiệu quả, phù hợp với mỗi vùng di sản. Theo đó, phải xây dựng được một kế hoạch quản lý liên vùng theo từng giai đoạn (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn); xây dựng nguồn kinh phí để quản lý, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị di sản; có kế hoạch để ứng phó với thiên tai rủi ro cho di sản; dự báo khả năng đón nhận du khách đến tham quan di sản theo từng thời điểm, từng giai đoạn; công tác đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông quảng bá, phát huy giá trị di sản... Bà đặc biệt quan tâm đến vai trò của cộng đồng dân cư khu vực di sản đối với việc gìn giữ, bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tính thân thiện của di sản với du khách được thể hiện qua hệ thống biển chỉ dẫn, giới thiệu di sản, biển cảnh báo, số điện thoại cứu hộ, cứu nạn, hệ thống chữa cháy, dịch vụ…Những điều này cũng rất quan trọng, cần được đưa vào hồ sơ di sản.
Về cách thức lập hồ sơ di sản thế giới, GS Hea Un Rii cũng tư vấn khá chi tiết. Đó là phải đưa ra được các tiêu chí phù hợp và kèm theo các tư liệu để chứng minh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Mỗi một tiêu chí cần có sự so sánh với các di sản có tính chất tương tự ở trong nước, khu vực đã được công nhận hoặc đang đề nghị công nhận di sản thế giới để làm nổi bật sự độc đáo, khác biệt của di sản đề cử. Hồ sơ di sản phải chú ý đến tính toàn vẹn và tính xác thực của di sản, thể hiện thông qua các di tích, hiện vật còn lưu giữ được tại di sản; thể hiện ở vật liệu, chất liệu để trùng tu, tôn tạo di tích đảm bảo tính nguyên vẹn; vị trí, cảnh quan xung quanh; các cộng đồng duy trì được tính liên tục về văn hoá gắn với di sản. Sự cải tạo, cơi nới di tích không được ảnh hưởng đến kiến trúc, vật liệu gốc của di sản...
Đi vào các tiểu tiết, GS Hea Un Rii cũng tư vấn khá kỹ. Đó là việc đặt tên cho hồ sơ đề cử phải lựa chọn căn cứ vào giá trị tiêu biểu nhất của quần thể di sản. Việc chọn các điểm di tích đưa vào hồ sơ phải theo chuỗi lịch sử liên hoàn. Ảnh chụp di sản và video clip về di sản phải thể hiện được vẻ đẹp của di sản qua nhiều góc độ khác nhau và theo các mùa khác nhau. Khoanh vùng bảo vệ di sản phải thể hiện được các điểm di sản đề cử, phù hợp với thực tiễn và phát huy giá trị di sản. Hồ sơ phải có bản đồ với tỷ lệ đủ, phù hợp, các chú dẫn trên bản đồ phải rõ ràng; từ ngữ sử dụng đảm bảo chuẩn theo quy định, khi dịch sang tiếng Anh phải sát với hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới...