Đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Chú trọng xây dựng con người

Lục Bình (ghi) 16/09/2015 09:00

Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục- thanh thiếu niên nhi đồng của QH; Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Dự thảo Báo cáo Chính trị đề cập đến nhiều nội dung, sát tình hình thực tiễn hiện nay.

Ông Nguyễn Viết Chức.

Ông Chức cho rằng, Dự thảo đã đặc biệt quan tâm nội dung xây dựng con người. Điều này là hoàn toàn chính xác. Đặc biệt trong mục xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế đã đề cập chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, đây là vấn đề mới.

“Tại sao tôi nói, phải chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng là bởi, đây là bộ phận tiên phong, là những cá nhân tiên tiến trong xã hội. So với hơn 90 triệu dân thì bộ phận này không nhiều nhưng nhất thiết phải xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội”- ông Chức nói.

Báo cáo Chính trị cũng đặt vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là vấn đề mới, là vấn đề đáng quan tâm. Xưa nay, chúng ta nhận thức văn hóa là “văn hóa tiêu tiền” nên đã nhầm lẫn. Văn hóa không phải chỉ tiêu tiền, giờ nếu không nắm bắt được thị trường văn hóa chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà khi mà các sản phẩm văn hóa ngoại đua nhau nhập vào Việt Nam.

Không chỉ thế, văn hóa còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm như tổ chức sự kiện, các sản phẩm văn hóa trong công cuộc hiện đại hóa vậy phát triển quản lý thị trường này thế nào? Khi đã đề cập đến vấn đề này thì trong Báo cáo Chính trị phải nói rõ, công nghiệp văn hóa là thế nào, sản xuất tinh thần là thế nào, có vậy mới góp phần làm cho xã hội phát triển bền vững.

Theo ông Chức, Báo cáo Chính trị có nhiều điểm mới nhưng tính đột phá cần rõ hơn. Ông Chức cho rằng, khi đã toàn diện thì dàn trải, không tập trung. Báo cáo phải là báo cáo của nhiệm kỳ. Do vậy, nhiệm kỳ này phải khác nhiệm kỳ trước. Nếu không các nhiệm kỳ sẽ na ná giống nhau mà không có điểm nhấn, sẽ thiếu tính thời sự của những vấn đề cấp bách.

“Văn kiện cần ngắn gọn, dễ nhớ đến mức không chỉ các Ủy viên Trung ương mà tất cả cán bộ, đảng viên phải biết, thấm nhuần. Nếu không nhớ thì sao làm cho đúng được”- theo ông Chức.

Về vấn đề nông nghiệp- nông thôn- nông dân trong quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, nhiệm kỳ này dứt khoát phải chuyển hướng mạnh mẽ sang khu vực nông nghiệp. Không thể để một đất nước người dân sống chủ yếu ở khu vực nông nghiệp lại có nền sản xuất nông nghiệp manh mún.

“Vì vậy, kỳ Đại hội này cần tập trung vào khu vực nông nghiệp. Tôi chưa nhìn thấy cái mới trong Dự thảo nói về vấn đề nông nghiệp. Rõ ràng, nông nghiệp phải là nông nghiệp hiện đại. Trong khi các nước hiện đại như Nhật Bản còn quan tâm đặc biệt đến khu vực nông nghiệp, vậy tại sao một nước có nhiều lợi thế như Việt Nam lại không tập trung vào khu vực này”- ông Chức nêu vấn đề.

Lục Bình (ghi)