Tập hợp sức mạnh nhân dân
Kể từ ngày 15/9, Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng đã chính thức công bố để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài. Trong Dự thảo có một phần quan trọng, được thể hiện khá sâu và khá kỹ, đó là phần nói về “Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân
với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Ảnh: Hoàng Long.
Ngay trong đoạn mở đầu khi bàn về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Dự thảo Báo cáo Chính trị đã khẳng định: Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Đạt được kết quả trên là do Đảng và Nhà nước luôn chủ trương nhất quán, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong Dự thảo văn kiện quan trọng này của Đảng, một lần nữa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã tiếp tục được khẳng định và được phân tích kỹ hơn; thậm chí thẳng thắn hơn. Dự thảo đã nhấn mạnh và khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam, tăng cường quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập đến tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và khái niệm ấy là một hệ thống các nguyên tắc, luận điểm rất nhất quán với mong muốn tập hợp cho được và phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh của thời đại để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Quan điểm ấy, tư tưởng ấy, tư tưởng: Đoàn kết cả nước, đoàn kết toàn dân không bỏ sót một người dân nào, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất..., đoàn kết quốc tế hay “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch tại Lớp nghiên cứu chính trị khóa II, Trường ĐH Nhân dân Việt Nam, tháng 12/1955) đã cho thấy rõ hơn những quan điểm của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc. Và, tư tưởng ấy được Đảng ta khắc ghi, thể hiện xuyên suốt qua các Báo cáo chính trị tại các ĐH Đảng toàn quốc.
Gần đây nhất, tại ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) khi bàn về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Báo cáo Chính trị đã khẳng định: “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”.
Sau 5 năm với sự vận động không ngừng nghỉ của thực tế đời sống sôi động, rõ ràng, những quan điểm ấy đã được phát triển hơn lên, nó không chỉ thể hiện sự cởi mở trong chính sách của Đảng mà còn thể hiện sự nhất quán trong đường lối chủ trương. Giờ không chỉ là sự “chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung” đã được Đảng ta khẳng định là “tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc”.
Cũng chính từ một trong những quan điểm cốt lõi ấy, Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này đã khẳng định những thành tố để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; không chỉ là việc thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; không chỉ là hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm phát huy cao nhất vai trò của nhân dân trong quyết định những việc lớn của đất nước mà Dự thảo còn khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hoà quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới”.
Và, một quan điểm quan trọng khác cũng được Dự thảo đề cập chính là, phải lấy “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” để từ đó đề nghị các cấp uỷ Đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.
Chỉ riêng vấn đề đại đoàn kết trong tiểu mục “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” và vai trò của Mặt trận Tổ quốc đã được Dự thảo Báo cáo Chính trị dành một “dung lượng” lớn phân tích, đánh giá. Điều đó chứng tỏ, Đảng ta luôn luôn rất coi trọng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong các giai đoạn phát triển khác nhau của cách mạng nước ta và của đất nước ta, dân tộc ta.