Đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Sức mạnh đoàn kết
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đặc biệt quan tâm đến việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, muốn đoàn kết mọi tầng lớp trong xã hội để làm nên sức mạnh thì trước hết phải đoàn kết trong Đảng - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định.
Phó GS Nguyễn Trọng Phúc.
Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, có nhiều điểm mới trong dự thảo Báo cáo Chính trị lần này. Thứ nhất, đề cao vấn đề xây dựng Đảng, đó là Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Đây là điểm mới so với Đại hội XI. Đại hội XI, cũng nội dung này nhưng mục tiêu là nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng.
Nhưng giờ không chỉ nâng cao năng lực sức chiến đấu nữa mà là phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đây là vấn đề bức thiết hiện nay. Vấn đề này cũng đã được Nghị quyết Trung ương 4 đề ra.
Điều cần làm là phải tiếp tục tìm ra các giải pháp căn cơ để chống bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, cũng như Đại hội Đảng lần thứ XII phải lựa chọn cho được đội ngũ cán bộ đủ đức, tài để đảm đương những trách nhiệm lớn lao của đất nước. Phải có giải pháp thiết thực để giải quyết những vấn dề còn tồn đọng một cách thiết thực, chứ không chỉ nêu lên cho có.
Thứ hai, đổi mới toàn diện đi kèm với đó là sự đồng bộ. Đại hội trước chỉ đề cập đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới nhưng nay đổi mới là phải đồng bộ. Muốn đổi mới một vấn đề đi kèm với nó là các chính sách khác. Nếu không đồng bộ sẽ khó hoàn thành công cuộc đổi mới, mới tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Thứ ba, vấn đề bảo vệ Tổ quốc. Các Đại hội trước cũng có nội dung này nhưng nằm trong phần quốc phòng - an ninh, nay bảo vệ vững chắc tổ quốc giữ vững môi trường hòa bình đã trở thành vấn đề riêng. Đây là vấn đề lớn ngang tầm với vấn đề xây dựng đất nước.
Thứ tư, Báo cáo Chính trị đã điều chỉnh lại mục tiêu. Trước đây chúng ta xác định, phấn đấu đến 2020 cơ bản đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện tại. Đến thời điểm này chúng ta thấy khó đạt mục tiêu, nên đã điều chỉnh thành: xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. Thế là có điều chỉnh về thời hạn, đây là cách nhìn đúng đắn, sát thực.
“Trong những điểm mới tôi đặc biệt quan tâm đến mục tiêu phát huy sức mạnh toàn dân tộc” - ông Phúc nói. Vấn đề này chúng ta đã và đang làm. Nếu không đoàn kết thì làm gì có sức mạnh, nhưng đoàn kết phải gắn với phát huy dân chủ XHCN. Sức mạnh dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ, nếu dân chủ hơn, thực chất hơn sẽ tạo thành sức mạnh, và ngược lại đoàn kết cũng giúp phát huy dân chủ thực chất hơn.
Để tăng cường sức mạnh của dân tộc, phải đoàn kết trong Đảng tốt hơn, từ đó phát huy sức chiến đấu của Đảng. Đảng viên là hạt nhân để đoàn kết trong xã hội. Để đoàn kết trong Đảng tốt, quan trọng nhất là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Theo đó, mọi đảng viên phải được đóng góp ý kiến của mình góp phần xây dựng đất nước; được tham gia những vấn đề chính trị lớn của đơn vị, địa phương... Đoàn kết không thể hô hào, khẩu hiệu mà phải dựa trên hệ tư tưởng, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phải thống nhất từ hệ tư tưởng thì hành động mới đúng. Đoàn kết trên cơ sở những nguyên tắc nhất định, phải trên cơ sở phê bình, tự phê bình và nghiêm chỉnh để sửa chữa khuyết điểm mới đi đến nhận thức chung đúng đắn. Đặc biệt, muốn đoàn kết trong Đảng phải trên cơ sở có tình thương yêu đồng chí.
Đối với xã hội nói chung, muốn đoàn kết phải lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng để cùng thực hiện. Chẳng hạn, mục tiêu chung của Việt Nam là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì ai cũng muốn thực hiện mục tiêu này. Ngoài mục tiêu chung phải chú ý lợi ích riêng của từng nhóm, miễn là lợi ích này không trái lợi ích quốc gia dân tộc.
Muốn tập hợp sự đoàn kết phải có hệ thống chính sách pháp luật chứ không kêu gọi chung chung để hướng tới vì cuộc sống tốt đẹp của con người. Nếu kêu gọi đoàn kết mà dân đói khổ làm sao dân quan tâm.
Cuối cùng phải xây dựng, tổ chức, tập hợp sức mạnh đoàn kết. Điều này lâu nay MTTQ Việt Nam đã làm rất tốt. Vấn đề mà hệ thống Mặt trận cần làm lúc này là phải gần dân, hiểu dân, để dân tin và nghĩ rằng đây là tổ chức của họ, lắng nghe tiếng nói của họ. Nếu để dân tin Đảng là của dân, mọi chuyện đều bắt đầu từ dân cuối cùng vì dân, sẽ giữ vững được niềm tin tuyệt đối của dân với chế độ, với hệ thống chính trị.