Xóa nợ thuế cần minh bạch

Thúy Hằng 17/09/2015 06:45

Việc Bộ Tài chính đề xuất xóa tiền nợ thuế cho doanh nghiệp, trong đó có cả nợ thuế của khối Doanh nghiệp Nhà nước với số tiền tổng thống kê lên đến 10.000 tỷ đồng đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh từ trước ngày 1/7/2013 của những doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan. Doanh nghiệp phải nộp đủ nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015.

Cơ quan này cũng đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của khoản thuế mà người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản. Số tiền thuế của các doanh nghiệp này Bộ Tài chính trong thời gian qua đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nhưng không được kết quả như ý với tổng số tiền lên tới 9.000 tỷ đồng.

Với những lý do được Bộ Tài chính đưa ra, giải quyết dứt điểm nợ cũ. Tính ra tổng số tiền phạt chậm nộp thuế và tiền nợ thuế được đề nghị xóa, theo thống kê của Bộ Tài chính lên tới khoảng 10.000 tỉ đồng.

Thực ra biện pháp giảm thuế, hoãn thuế, giãn thuế đã được Bộ Tài chính áp dụng nhiều lần trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn những năm 2012 và năm 2013. Nhưng thời gian này chưa tính tới xóa nợ thuế - cắt đứt khó khăn cho doanh nghiệp chứ không đơn thuần hoán đổi khó khăn từ năm này sang năm khác.

Một số chuyên gia cho rằng, khi Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có nhiệm vụ then chốt là cải cách Doanh nghiệp Nhà nước thì việc xóa nợ thuế cho khối DN này liệu có tạo ra công bằng. Doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý tài sản trên 3 triệu tỷ đồng, song hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này, nhất là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và vai trò của nó trong nền kinh tế quốc dân vẫn còn nhiều tranh cãi.

Hơn nữa, trong quá trình cổ phần hóa, nhìn về số lượng thì thành công, nhưng tỷ trọng cổ phần hóa trong các doanh nghiệp này còn rất thấp; đặc biệt, là các tập đoàn lớn, thậm chí, có những tập đoàn đã cổ phần hóa nhưng không đến 5%

Trả lời báo Đại Đoàn Kết, chiều ngày 16/9 chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói, chủ trương xóa nợ thuế phát sinh trước 2013 đã được đề cập trong 2 năm trước. Đây cũng là một cách thức hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Phong phải rất cẩn trọng xem xét các khoản nợ, sợ nhất là “bị lạm dụng” chính sách.

Trước khi bàn đến chuyện nên xóa nợ thuế hay không cần cân nhắc những một số vấn đề: Thứ nhất , trong điều kiện doanh nghiệp giải thể doanh nghiệp vẫn còn tài sản. Doanh nghiệp bán tài sản để trả nợ thuế. Bộ Tài chính cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp thu đòi nợ thuế nhưng không kết quả thu về không được nhiều. Liệu đã tính đến tài sản của doanh nghiệp?

Thứ hai, tổng số tiền nợ thuế xóa lên tới 10.000 tỷ đồng, tính ra bằng 1/3 số tiền Bộ Tài chính định vay Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa, bối cảnh ngân sách nhà nước cũng đang rất khó khăn. Riêng khối DNNN cũng đang được áp dụng nhiều chính sách thuế rất mềm, nhưng kinh doanh vẫn không hiệu quả. Bộ Tài chính cần phân định rõ DNNN nhưng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nào.

Thúy Hằng