Nặng về quản lý
Đó là vấn đề được đặt ra chiều ngày 17/9 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
Có hạn chế quyền tự do báo chí?
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội do ông Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Uỷ ban trình bày đã chỉ rõ: Điều 25 Hiến pháp quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Trong khi đó Dự thảo Luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân.
Bởi vậy, Thường trực Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, chỉ nên quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này tại các chương phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.
Dự thảo Luật quy định đến 9 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, theo ông Thi, quy định như vậy làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí.
Thường trực Uỷ ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quy định về những nội dung và hành vi bị cấm là hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nên cần phải quy định cụ thể, minh bạch ngay trong Luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, Điểm i Khoản 2 và Khoản 3 lại ủy quyền cho Chính phủ quy định thêm các hành vi cấm khác và quy định chi tiết hướng dẫn thi hành ở các văn bản dưới Luật là không phù hợp”-ông Thi chỉ rõ.
Phân biệt công lập và không công lập có phù hợp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, Điều 25 Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin. Từ đó ông Lý đặt vấn đề: “Vậy có nên phân biệt cơ quan chủ quản không? phân biệt công lập và không công lập là không phù hợp, bởi Hiến pháp đã quy định bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trong điều kiện hiện nay chúng ta chưa có báo chí tư nhân, chỉ đơn vị sự nghiệp công Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty mới được thành lập báo chí. Từ đó ông đặt vấn đề “Bây giờ chúng ta cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất nhiều. Vậy các tập đoàn đó có được thành lập cơ quan báo chí không”?
Trước vấn đề Luật quy định cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhận định “Đây là việc khó, vì cơ quan chủ quản không đọc được nội dung trước khi báo đăng, nhất là báo mạng chỉ 5 phút sau đã đưa lên ngay”. Và theo bà Mai, bắt người đứng đầu cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm là quá căng thẳng.
Trước các vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra như: Tờ trình của Chính phủ chưa nói nội dung mà mới nói đến sự cần thiết; so với Luật trước thì như thế nào? Cái mới của Luật là cái gì? Trong 12 điểm thì cơ quan soạn thảo ý kiến thế nào? Có đồng tình không? Và đề xuất mới thì thấy thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giải trình thêm: Về pháp nhân không có tư nhân vì đây là luật nhạy cảm, phức tạp. “Trước khi trình ra phải thông qua Bộ Chính trị 3 lần, Ban Chấp hành Trung ương họp 2 lần nhưng đến giờ vẫn chưa có ý kiến chính thức. Trong nhiều cuộc hội thảo hiện nhiều người nói tự do báo chí phải có tư nhân báo chí nhưng tại sao Luật lại không có? Đây là một câu hỏi lớn” - Bộ trưởng Son nói.