BHXH tự nguyện: Không minh bạch, khó thu hút người lao động
Ngày 17/9, Trung tâm nghiên cứu Truyền thông phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại chính sách: “Hướng tới một hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) dễ tiếp cận, minh bạch, bền vững”. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, nếu cứ tù mù về chính sách, không minh bạch các thông tin liên quan đến BHXH sẽ khó thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Số người tham gia BHXH còn thấp. Ảnh: Hoàng Long.
Mở rộng mạng lưới an sinh bằng hệ thống BHXH tự nguyện
Thạc sỹ Đoàn Thị Thu Hương, Học viện Tài chính cho biết: Những năm qua, mảng an sinh xã hội của Việt Nam có chuyển biến tích cực, nhưng Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn đó là tỷ lệ già hóa dân số quá nhanh. Tình trạng già hóa dân số nhanh chóng như vậy đang đe dọa đến sự mất cân đối giữa nguồn quỹ BHXH và mức độ BHXH. Nhận thấy phải tăng cường số lượng người tham gia BHXH để phủ rộng mạng lưới an sinh, năm 2009, chúng ta đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH với khu vực phi chính thức, tuy nhiên đến 2014 BHXH Việt Nam mới phủ được 1/5 lực lượng tham gia. Nghĩa là còn tới 80% lực lượng lao động không tham gia BHXH.
Không chỉ lượng NLĐ ở khu vực không chính thức tham gia bảo hiểm ít mà ngay cả lực lượng lao động ở khu vực phải bắt buộc đóng BHXH cũng chưa tham gia hết.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH cho biết: Hiện số lao động làm công ăn lương 19 triệu người nhưng chỉ có 11,23 triệu người, chiếm 58,85% tham gia BHXH. Đối với khu vực BHXH tự nguyện dù đã tăng lên đáng kể 800.000 người tham gia vào năm 2008, tăng lên hơn 211.172 người vào năm 2015 nhưng con số tham gia này chỉ chiếm 0,39% trên tổng số 51,8 triệu NLĐ.
Vậy những nguyên nhân nào khiến số người tham gia BHXH quá ít, do chính sách BHXH chưa phù hợp, còn rào cản khiến NLĐ chưa tiếp cận được, hay những lực hút của BHXH Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn?
Đại diện cho NLĐ, anh Phạm Văn Trường công nhân bốc vác tại Long Biên, cho biết, anh và các bạn không được tiếp cận các thông tin về chính sách BHXH tự nguyện. Hầu hết những lao động đều mong muốn có chính sách an sinh trợ giúp họ lúc bệnh tật và khi về già, nhưng để tiếp cận với BHXH là không dễ vì đặc thù công việc của những NLĐ này là luôn di chuyển.
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, lý do NLĐ không mặn mà với BHXH tự nguyện là bởi, chính sách BHXH chỉ có chế độ hưu và tử tuất. Trong khi đó chế độ thai sản, ốm đau, cái người dân quan tâm hàng đầu thì không có.
Minh bạch, bền vững người dân mới an tâm
Muốn thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện cần linh hoạt trong thực thi các chính sách, bà Trần Thị Thúy Nga cho biết. Theo đó, NLĐ không nhất thiết đóng BHXH mỗi tháng 1 lần, mà đóng theo quý hoặc theo năm. Thậm chí, 1 lần có thể đóng cho nhiều năm còn thiếu.
Bà Nga hy vọng, sau khi Luật BHXH 2014 thông qua, Chính phủ sẽ có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng để hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt phải đơn giản thủ tục khi tham gia, phải nhanh chóng thay đổi thái độ phục vụ của chính cán bộ của ngành BHXH.
Đưa ra giải pháp đề thu hút NLĐ tham gia BHXH tự nguyện bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam cho rằng: Phải tìm đúng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thì mới có chính sách khuyến khích người dân tham gia.
Cá nhân bà Quỳnh chia sẻ rằng, việc tuyên truyền lâu nay không đúng hướng, mới chỉ hướng tới đối tượng có thu nhập tương đối ổn định trong xã hội mà không chú ý đến đối tượng cận nghèo, cuộc sống dưới mức bình quân chung. Đây mới là đối tượng cần có mạng lưới an sinh xã hội che phủ. Theo đó, mỗi đối tượng phải có chính sách đi kèm. Có thể khuyến khích họ tham gia BHXH bằng sự hỗ trợ ở mức nào đó từ phía Chính phủ.
NLĐ không mặn mà tham gia BHXH có nguyên nhân chính sách làm chưa đủ, chưa trúng đối tượng. Tuy nhiên, liệu có nguyên nhân nguồn tiền mà NLĐ đóng góp không minh bạch, xử lý vi phạm liên quan đến BHXH chưa rõ có khiến NLĐ không tin tưởng? nguyên Trưởng ban quan hệ lao động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Trọng Sang đặt câu hỏi.
Theo ông Sang, nguồn quỹ của BHXH chính là dân đóng góp. Vì vậy, phải minh bạch mới khuyến khích người dân tham gia. Phải sao để dân thấy tin cậy, không có sự tù mù và người dân tham gia để cùng hưởng lợi họ mới tham gia BHXH.
Đồng quan điểm bà Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: Phải công bằng, hiệu quả trong quản lý nguồn quỹ BHXH. Muốn vậy, phải có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt, cập nhật chính xác đóng hưởng. Đặc biệt phải xây dựng hệ thống lương hưu đa trụ cột để NLĐ có thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu khi về hưu mới hút người dân tham gia.