Chạnh lòng chuyện xóa nợ thuế
Trước việc DNNN nợ thuế và được Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xóa nợ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chỉ xóa nợ cho DNNN là không công bằng vì một đồng tiền thuế cũng là tiền của dân. DNNN cũng phải có cơ chế chịu trách nhiệm.
(nguồn: dantri.com.vn)
Mới đây, Bộ Tài chính trình, xin ý kiến Chính phủ thực hiện xóa nợ thuế cho những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có đối tác bị phá sản dẫn đến mất khả năng trả nợ, DNNN đã giải thể và phá sản… Theo Bộ Tài chính, vì nợ thuế và mất hết vốn nên một số DN không thể thực hiện cổ phần hóa.
Cần nói thêm, DNNN được nhà nước giao quyền quản lý vốn, giao mặt bằng kinh doanh, lợi nhuận thu được thì được phép chia đều, khi thua lỗ lại phân bổ vào giá bán… để người tiêu dùng gánh chịu.
Lâu nay ai cũng thấy nhiều DNNN nắm lợi thế trong tay, kinh doanh cảm thấy lỗ thường kiến nghị điều chỉnh tăng giá có lợi cho mình. Gần đây, dư luận xôn xao khi 3 “ông lớn” điện lực, dầu khí, than khoáng sản đồng loạt kiến nghị tăng giá bán sản phẩm vì tỷ giá tăng. Kết quả, Bộ Công thương phát đi tín hiệu xem xét phân bổ khoản lỗ cho các DN.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tỏ ra rất chia sẻ với việc tỷ giá tăng đang tạo áp lực lớn cho hoạt động kinh doanh, nhất là đối với DN nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, khối dân doanh không thể không chạnh lòng khi nhìn thấy DNNN được bù lỗ xung quanh việc tỷ giá tăng.
Theo thống kê mới đây, tỷ trọng đầu tư của khu vực DNNN chiếm 40% tổng số vốn đầu tư nhưng đóng góp vào GDP của khu vực này chỉ chiếm 32%. Ngược lại, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư khoảng 38% GDP nhưng tỷ lệ đóng góp GDP lên đến 49%. Từ con số trên cho thấy, hiệu quả kinh doanh để sinh lời trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN chưa cao.
Từ năm 2010 nền kinh tế gặp khó khăn bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những DN tư nhân còn trụ lại rơi vào tình trạng lao đao về thị trường, nguồn vốn… Hệ lụy, khó khăn dai dẳng, đối tác phá sản, những DN còn tồn tại nợ thuế, thậm chí trốn thuế. Sau khi phạt DN về việc chậm đóng thuế, cưỡng chế… nhưng bất thành, cuối cùng Bộ Tài chính quyết định nêu tên DN tư nhân nợ thuế với mục đích thúc đẩy thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.
Nay, trước việc DNNN nợ thuế và được Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xóa nợ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chỉ xóa nợ cho DNNN là không công bằng vì một đồng tiền thuế cũng là tiền của dân. DNNN cũng phải có cơ chế chịu trách nhiệm.
Tiến trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước đang từng ngày gia tăng sức ép cạnh tranh bình đẳng bởi quy luật cơ chế thị trường. Điều ấy khiến cho biện pháp bù lỗ, xóa nợ cho DNNN càng tác động thêm băn khoăn cho biết bao DN không nhận được sự ưu tiên tương tự.