Góp ý sửa đổi Bộ luật TTDS: Không đẩy khó khăn cho người dân
Ngày 17/9, Đại học Luật TP HCM đã tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi toàn diện Bộ luật Tố tụng dân sự” với sự tham vấn ý kiến của các thẩm phán tòa dân sự, tòa kinh tế, đại diện Viện KSND, ĐBQH các tỉnh, các chuyên gia luật, cùng đông đảo giảng viên và sinh viên...
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Hồng Phúc.
Theo GS.TS.NGƯT Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) được ban hành và có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/1/2005, sau đó được sửa đổi, bổ sung vào năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều quy định của Bộ luật đã bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng nhất định đến hoạt động giải quyết của tòa án các cấp. Về phía người dân, doanh nghiệp cũng đặc biệt bức xúc liên quan đến các bất cập về giải quyết tranh chấp tài sản thời gian qua.
Chỉ ra những điều luật gây khó trong hoạt động xét xử, Thẩm phán Quách Hữu Thái – Phó Chánh Tòa Dân sự (TAND TP HCM) cho biết, quy định hiện hành, tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức.
“Theo nội dung điều luật thì chỉ trong trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng là trái pháp luật thì tòa án mới có quyền hủy quyết định đó. Tuy nhiên, để xác định thế nào là “rõ ràng trái pháp luật” là một điều không đơn giản, mà phần lớn là phải trải qua một thời gian dài, qua nhiều lần xét xử” - Thẩm phán Thái nêu.
Đi vào trường hợp cụ thể trong thực tiễn xét xử, ông dẫn chứng, thời gian qua có các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với công chứng mua bán nhà. Tuy nhiên, nếu tòa phải tiến hành thu thập chứng cứ để xem xét theo đúng nội dung luật định thì rất mất thời gian và đương sự hầu hết đã thực hiện xong việc tẩu tán tài sản. Vì vậy, cần thiết phải có quy định nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi đương sự thực hiện xong biện pháp bảo đảm đối với loại phải áp dụng biện pháp bảo đảm.
TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Bộ môn Luật TTDS và hôn nhân gia đình (ĐH Luật TP) thì dẫn lại quan điểm của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân. Việc gì dân yêu cầu chính đáng phải giải quyết. Nếu chưa có luật là do lỗi của Nhà nước, không phải lỗi của dân. Phải dành khó khăn về cho Nhà nước chứ không đẩy khó khăn cho người dân.
Theo TS Tiến, tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng trong dự thảo BLTTDS sửa đổi. Bởi vì, thực tiễn những quan hệ xã hội hiện nay có thể pháp luật chưa thể dự liệu, chưa có quy định, nhưng trong thực tiễn đã nảy sinh quan hệ gần giống như quan hệ mà pháp luật đã quy định, nên tòa án phải sử dụng quy định gần giống để giải quyết các quan hệ đã nảy sinh mà chưa được luật hóa.
Dẫn chứng trong thực tiễn xét xử, TS Tiến cho rằng, nhiều trường hợp các án lệ vẫn gây ra sự lo ngại. Hiện nay, tuy các nước đã áp dụng án lệ trong xét xử các vụ việc dân sự như trong quan hệ về hôn nhân và gia đình nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được quy định trong luật và áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, điều đó không có nghĩa là không nên quy định và áp dụng án lệ trong xét xử dân sự.
Dẫn chứng về thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, TS Lê Thị Nam Giang, Phó trưởng Khoa Luật quốc tế (ĐH Luật TP) chỉ ra một loạt những vướng mắc, trong đó đơn cử trường hợp hai công dân Việt Nam (A và B) cùng tham gia một đoàn du lịch ở nước ngoài, trong thời gian này A và B mượn một số tiền khá lớn để B chi tiêu trong thời gian du lịch. Trong trường hợp này, hợp đồng giao kết được thực hiện hoàn toàn ở nước ngoài.
Giả sử khi trở về Việt Nam, tranh chấp phát sinh do B không thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho A. Vấn đề đặt ra là tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết không? Bởi vì việc giao kết được thực hiện hoàn toàn tại nước ngoài mà các điều luật chưa quy định thẩm quyền cụ thể của tòa án trong trường hợp này.
Tham gia ý kiến, Luật sư Thái Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương cho rằng, hiện nay người dân đặc biệt quan tâm đến vấn đề hủy án, bởi vì vấn đề này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và các đương sự.
Theo Luật sư Hải, quy định hiện hành về cung cấp chứng cứ thì các đương sự cung cấp đến đâu tòa giải quyết đến đó. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đương sự giữ lại chứng cứ không cung cấp cho tòa án sơ cấp, nên khi xét xử ở phúc thẩm thì một bên mới trưng thêm chứng cứ. Điều này dẫn đến những trường hợp hủy án sơ thẩm, trong khi không thay đổi được bản chất của vụ việc, lại gây nhiều tốn kém thời gian, công sức để theo đuổi vụ án đối với các bên đương sự.
Trong lĩnh vực kinh tế - thương mai, tham luận của thẩm phán Ủ Thị Bạch Yến, Phó Chánh tòa Kinh tế (TAND TP HCM) cũng chỉ ra nhiều vướng mắc trong quá trình xét xử, như việc giải quyết hủy bỏ quyết định của đại hội đồng cổ đông (Điều 107 Luật Doanh nghiệp 2005) thì nhiều tòa có những cách hiểu khác nhau, trong đó có tòa xác định là vụ án kinh doanh, thương mại, có tòa xác định là việc kinh doanh, thương mại.