Công trình “khủng” mọc trái phép xâm hại Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Đức Sơn 18/09/2015 09:05

Một Trung tâm dạy nghề “khủng” với nhiều công trình xây dựng trái phép ngang nhiên tồn tại và đang xâm hại nghiêm trọng vùng quy hoạch khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc.

Công trình không phép, xâm phạm vùng quy hoạch di tích quốc gia Côn Sơn- Kiếp Bạc.

Với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt nên tháng 5/2012, khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt” cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, hiện nay, một Trung tâm dạy nghề “khủng” với nhiều công trình xây dựng trái phép ngang nhiên tồn tại và đang xâm hại nghiêm trọng vùng quy hoạch khu di tích này. Trong khi các ngành, chức năng địa phương lại đùn đẩy trách nhiệm và loay hoay chưa tìm ra biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc.

Ngang nhiên xâm phạm khu di tích quốc gia

Vì là khu di tích đặc biệt cấp Quốc gia nên khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc thuộc diện được bảo vệ nghiêm ngặt với 3 vùng. Tuy nhiên nhiều tháng nay, một công trình khủng “mọc” lên trái phép (tại khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh) ngay trên vùng quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Côn Sơn- Kiếp Bạc gắn liền với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, khiến nhân dân bức xúc.

Công trình “khủng” này là “Trung tâm khí công và dạy nghề nhân đạo” có diện tích rộng khoảng 1,5 ha. Theo tìm hiểu, dự kiến khu vực này sẽ được xây dựng thành một khu nghỉ dưỡng cho khách đến luyện khí công và trồng cây thuốc nam. Khu vực này bao quanh là rừng thông nên không khi rất mát mẻ.

Theo quan sát đây là một đại công trường đang thi công với nhiều hạng mục công trình nhà cửa bằng bê tông kiên cố, tượng đá, cột đá đã và đang được hoàn thiện. Một hồ nước lớn cùng với các chòi canh đang dần hoàn thiện. Ngay sát đường dẫn từ di tích Côn Sơn, nhiều căn nhà cấp 4 đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trong khuôn viên trung tâm, sắt thép, bê tông chất ngổn ngang và đất đá đào bới nham nhở.

Để xây dựng trung tâm này, hàng loạt xe chở vật liệu phải đi theo đường vào trạm kiểm soát của Ban quản lý khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc nhưng không hiểu sao không bị ngăn chặn. Công trình không phép này không chỉ phá vỡ cảnh quan khu di tích mà còn xâm hại nghiêm trọng đến khu di tích quốc gia Côn Sơn- Kiếp Bạc. Đáng bàn hơn, công trình này chỉ cách trụ sở Ban quản lý rừng Hải Dương vài trăm mét.

Theo người dân cho biết, khi phát hiện vụ việc, người dân đã kiến nghị lên ngành chức năng nhiều lần nhưng không hiểu sao công trình vẫn xây dựng như không có chuyện gì xảy ra.

“Từ xưa đến nay, người dân địa phương chúng tôi chỉ xâm phạm nhỏ đến vùng bảo tồn, bảo vệ khu di tích là lập tức bị lập biên bản đình chỉ, xử phạt và cưỡng chế ngay. Vậy mà các anh thấy đấy, một trung tâm to đùng xây trái phép, xâm hại đến di tích quốc gia mà không bị cơ quan chức năng xử lý. Đề nghị ngành chức năng xử lý để bảo vệ di tích, lấy lại niềm tin trong nhân dân….”- ông Quốc, người dân phường Cộng Hòa bức xúc cho biết.

Ngành chức năng “bất lực”?

Qua tìm hiểu được biết, Trung tâm khí công và dạy nghề nhân đạo đã mua lại diện tích vườn- rừng của người dân ở phường Cộng Hòa rồi tiến hành xây dựng thành khu tu dưỡng Chí Linh-Nhật Quang thuộc Chương trình nghiên cứu-đào tạo-nuôi trồng chế biến thuốc nam Đông y trực thuộc Trung tâm khí công và dạy nghề nhân đạo. Theo địa phương, người đứng tên thuê lại diện tích đất nêu trên là bà Trần Thị Thu Thủy và Đặng Thị Vượng đều trú tại thành phố Hà Nội.

Phát hiện việc xây dựng xâm phạm quy hoạch di tích, ngày 30/6/2015, UBND thị xã Chí Linh ra Quyết định số 463/QĐ-XPVPHC xử phạt số tiền hơn 22 triệu đồng và yêu cầu bà Đặng Thị Vượng ngừng thi công và khắc phục hậu quả. Sau khi ra quyết định xử phạt những tưởng công trình sẽ bị tháo dỡ, khắc phục hậu quả ai dè sau đó lại mọc thêm nhiều công trình, hạng mục trong khuôn viên Trung tâm Trung tâm khí công và dạy nghề nhân đạo.

Trước sự việc này, tháng 7/2015, UBND thị xã Chí Linh đã tổ chức họp bàn giải quyết vụ việc công trình xây dựng trái phép trên đất rừng vùng quy hoạch di tích Côn Sơn. Trong buổi họp bàn, lãnh đạo UBND thị xã Chí Linh đã chỉ đạo, việc Trung tâm khí công và dạy nghề nhân đạo xây dựng các công trình trên đất giao khoán trồng rừng là trái pháp luật, yêu cầu trung tâm phải tự tháo dỡ công trình trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu trước ngày 15/8/2015.

Trong báo cáo số 121/BC-BQLDTCS-KB của Ban Quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc (ngày 17/7/2015) về việc xây dựng công trình trái phép trên đất rừng thuộc vùng quy hoạch di tích Côn Sơn cũng nêu rõ “việc xây dựng trái phép tại khu vực này vi phạm Luật Quản lý rừng, Luật Di sản văn hóa, vi phạm quy định của Thủ tướng Chính phủ trong quy hoạch tổng thể khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Côn Sơn- Kiếp Bạc phê duyệt năm 2010…”.

Mặc dù UBND thị xã Chí Linh chỉ đạo quyết liệt là vậy, nhưng hiện tại, đã quá thời hạn tháo dỡ nhưng các công trình không phép trong Trung tâm khí công và dạy nghề nhân đạo vẫn hiên ngang tồn tại.

Lý giải về vấn đề trên, ông Hoàng Đức Lưu- Giám đốc Ban quản lý rừng Hải Dương thừa nhận, công trình xây dựng trái phép trong khu vực bảo vệ di tích quốc gia thuộc trách nhiệm của Ban quản lý rừng Hải Dương và Ban quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc. Theo ông Lưu, liên quan đến việc giao khoán đất, Ban quản lý rừng Hải Dương đã lập biên bản ngăn chặn.

“Họ cố tình thì Ban quản lý đã thu hồi việc giao khoán đất theo đúng luật. Còn lại những công trình xây dựng thì cấp chính quyền hỗ trợ. Chúng tôi là đơn vị sự nghiệp đã làm hết sức rồi. Chúng tôi bây giờ đang vận động họ tự tháo dỡ. Sai phạm đã được báo cáo tỉnh, còn về trách nhiệm của chúng tôi, sau vụ này cấp trên sẽ giải quyết…”- ông Hoàng Đức Lưu trình bày.

Có thể thấy rằng, vụ việc Trung tâm “khủng” xây dựng công trình trái phép xâm hại đến di tích lịc sử văn hóa quốc gia Côn Sơn- Kiếp Bạc là do các ngành chức năng địa phương chưa thực sự vào cuộc.

Đức Sơn