Dòng chảy y đức
Những tiêu cực của ngành y, không thể phủ nhận, là đã và đang tồn tại. Nhưng có lẽ phải nhìn ra mạch chảy chính của ngành, vẫn là hàng ngàn hàng vạn bác sĩ ngày đêm tận tâm trị bệnh cứu người theo đúng chức phận của họ. Tình trạng bệnh tật của người Việt Nam lúc này quả là đáng báo động. Nhu cầu khám chữa bệnh đang rất lớn. Đây là một trong những lý do để hễ thấy ở đâu có lời đồn chữa bệnh là rất nhiều người tìm đến.
Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Việc này có nguyên nhân từ sự gia tăng dân số, từ ô nhiễm môi trường, từ ô nhiễm thực phẩm… Nói cho cùng trong việc dễ bị mắc bệnh của người dân hiện nay có cả phần lỗi trong y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng của cả ngành y tế nhưng lại không phải lỗi trực tiếp của bác sĩ điều trị. Có nghĩa là việc ai đó mắc bệnh không phải do bác sĩ gây ra. Thậm chí, họ còn đang phải làm cái việc là chữa trị cho những tổn thương của người khác. Có lẽ phải thấu hiểu điều này, xã hội mới có cái nhìn đúng đắn hơn để không vơ đũa cả nắm, không phủ nhận sạch trơn y đức.
Đúng là trong xã hội, nghề y cũng là một nghề. Và giáo dục và y tế - 2 lĩnh vực dân sinh quan trọng bậc nhất đã bị chìm vào cơn chếch choáng của thời mở cửa khi bước ra khỏi thời bao cấp. Cơn lốc của thị trường trong những năm đầu tác động dữ dội vào ngành y vốn trước đó suốt cả thời bao cấp dài bác sĩ giỏi hay bác sĩ trung bình đều thu nhập đồng đều như nhau. Y tế vẫn được Nhà nước giữ lại bao cấp nhưng cả xã hội thì thị trường nhốn nháo đã tất yếu tác động trở lại. Không khỏi xuất hiện nạn phong bì, phong bao, xách nhiễu và hành người bệnh…
Đó là thực tế dù không muốn chúng ta vẫn phải thừa nhận một cách đau xót.
Nhưng chắc chắn nếu bây giờ được hỏi, nhiều người trong chúng ta đã từng đi khám chữa bệnh hay có người nhà đi khám chữa chữa bệnh, đều phải thừa nhận rằng dòng chảy chủ đạo, mạch chủ lưu vẫn là hàng ngàn y bác sĩ ở khắp các cơ sở y tế trong cả nước vẫn hết lòng hết sức thực hiện y đức của mình. Nói điều này không phải vì ngày hôm qua, trong Đại hội thi đua yêu nước ngành y tế chúng ta nhìn thấy 1.200 điển hình tiên tiến. Cũng không phải vì vài hôm trước, các bác sĩ đã thành công trong những ca ghép tạng cực khó... Mà bởi vì mỗi ngày, các y bác sĩ vẫn làm việc giản dị như mọi ngày và chúng ta tin rằng phần lớn trong số họ đều làm việc đúng với 2 từ Y đức.
Chúng ta không thể đòi hỏi y đức khi thu nhập của bác sĩ chưa xứng với tài năng và trách nhiệm của họ. Cho nên xu hướng xã hội hoá hiện nay đang ngấm đủ để phân chia công bằng thứ bậc trong ngành y. Bác sĩ càng giỏi, càng trách nhiệm và càng uy tín thì thu nhập càng cao. Chúng ta không nên và không thể quan niệm rằng bác sĩ phải nghèo mới có y đức. Chính sự đãi ngộ công bằng mới là nền tảng bền vững của y đức.
Cũng như về phần mình, các bác sĩ cũng không nên quan niệm chỉ có chế độ của Nhà nước mới là đãi ngộ. Bác sĩ giỏi, tài năng được xã hội trọng vọng, được nhiều cơ sở y tế khác mời chữa bệnh, được hưởng thù lao cao do người bệnh chi trả (dưới hình thức viện phí ở các cơ sở y tế tư nhân hoặc tiền cảm ơn ngoài viện phí ở các cơ sở y tế nhà nước) chính là sự đãi ngộ xứng đáng của xã hội.
Ngành y là một nghề nghiệp. Nhưng trong xã hội có những nghề được trọng vọng hơn nghề khác mà bất kì ai khi lựa chọn đó là nghề nghiệp cho mình buộc phải tuân theo những qui định phù hợp với sự trọng vọng ấy. Y đức không phải là lúc nào cũng là sự hy sinh và tận hiến. Y đức đơn giản là chữa bệnh tử tế.