'Không thể giẫm chân lên người là khỏi bệnh'
PGS.TS.BS Bùi Công Toàn - Phó Giám đốc BV K Trung ương cho biết: Day huyệt cũng là một liệu pháp điều trị, nhưng phải khẳng định lại rằng, liệu pháp đó chỉ có tác dụng hỗ trợ, chứ chưa bao giờ, xoa bóp, bấm huyệt chữa được ung thư. "Không thể có chuyện cứ giẫm chân lên người bệnh day day mà lại có tác dụng như vậy".
PV: Thưa PGS, ông có tin rằng bà Phú ở Sông Công, Thái Nguyên chữa được bệnh cho nhiều người?
PGS.TS Bùi Công Toàn: Đây là trò nhảm nhí, mê tín dị đoan. Báo chí sẽ còn tốn nhiều giấy mực về vấn đề này. Không ai có thể chỉ dẫm đạp mà làm khỏi bệnh, nhất là bệnh ung thư. Không đến các BV để được khám và điều trị kịp thời mà còn tin vào mấy trò vớ vẩn này thì có ngày bệnh nặng lên sẽ hết cơ hội cứu vãn.
Đây cũng chính là một trong những lý do khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam cao như thế - mê mải tìm đến với những cơ sở bịp bợm như thế này đến khi bệnh nặng mới tìm đến các cơ sở điều trị trong hệ thống y tế thì đã ở giai đoạn muộn.
Vậy nhưng theo một số người cho rằng việc làm của bà Phú vẫn đem lại niềm vui và hy vọng nếu như chưa nói là kết quả khả quan cho một số người…?
- Nói một cách khách quan, day huyệt cũng là một liệu pháp điều trị, nhưng phải khẳng định lại rằng, liệu pháp đó chỉ có tác dụng hỗ trợ, chứ chưa bao giờ, xoa bóp, bấm huyệt chữa được ung thư. Ngay cả xoa bóp bấm huyệt cũng phải có bài bản, phải được đào tạo, chứ không thể có chuyện cứ giẫm chân lên người bệnh day day mà lại có tác dụng như vậy.
Còn ai nói rằng bà Phú cũng đem lại cho một số người hiệu quả nào đấy bằng “phương pháp” của bà ấy như vậy thì phải có bằng chứng và nó phải được kiểm chứng bởi một hội đồng khoa học cũng như những người có chức năng, chuyên môn trong việc này.
Vậy xin ông cho lời khuyên?
- Tôi chỉ khuyên mọi người khi phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc trong cơ thể hay những biều hiện nghi ngờ của bệnh ung thư như sút cân, kém ăn, kém ngủ, đau đớn, ho hắng… bất thường, kéo dài thì mọi người nên đến các bệnh viện chuyên khoa để làm xét nghiệm và có hướng điều trị kịp thời càng sớm càng tốt.
Tôi nhắc lại: Việc tin vào những trò mị dân, mê tín, dị đoan như ở trường hợp chữa bệnh chỗ bà Phú không những tốn tiền mà bệnh sẽ càng nặng hơn.
Xin cảm ơn ông!
Tại diễn đàn Bác sĩ Nội trú - fan page của một số bác sĩ, một bác sĩ tâm thần học không tiện nêu tên thật cho rằng: Một số người tâm thần, thường là những người mắc bệnh hoang tưởng, rất hay tự coi mình là thánh, và “Cô Phú Bồ Tát” là một trong số đó.
Khi nói chuyện với người đối diện, họ thực sự có tài ăn nói và thuyết phục người khác rất giỏi, nhất là với những người đang có vấn đề khúc mắc về tâm lý (lo lắng về bệnh tật), cộng thêm sự cổ vũ động viên của những người quá mê tín... đã khiến cho câu chuyện về “Cô Phú Bồ Tát” thêm phần huyền bí và lan truyền.
Hơn nữa, đối với những người bệnh mạn tính thì thường có tình trạng căng thẳng tâm lý (stress) đã khiến cho tình trạng bệnh thêm “nghiêm trọng” và họ sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để mong sức khỏe tốt lên. Vì thế cho nên nếu được tư vấn lọt tai, được ở trong một môi trường có vẻ tích cực là họ có thể giảm căng thẳng tâm và khi đó, sức khỏe có thể được cải thiện.
Trường hợp “Cô Phú Bồ Tát” chữa bệnh cũng vậy, chẳng có gì là cao siêu cả… Nhưng cái nguy hiểm ở đây là nhiều người có bệnh sẽ lầm tưởng là được “Cô Phú Bồ Tát” chữa khỏi, nên sẽ không đi khám và điều trị khiến cho bệnh sẽ ngày một tiến triển nặng, tới giai đoạn muộn và vô phương cứu chữa.