Việt Nam kỳ vọng gì ở COP 21?

Huyền Trang 18/09/2015 11:25

Ngày 17/9, tại Hà Nội diễn ra buổi nói chuyện về vấn đề biến đổi khí hậu: “Cơ hội cuối cùng để cứu khí hậu trái đất? Đàm phán khí hậu tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) và tiếng nói từ VN”. Tại buổi nói chuyện, ông Phạm Văn Tấn, Phó trưởng ban thường trực, Ban công tác đàm phán của VN về Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã nói về những kỳ vọng của VN tại COP 21 diễn ra tại Paris trong tháng 11 tới.

Cơ hội cuối cùng để cứu khí hậu Trái đất?

Tương lai của trái đất đi về đâu, đâu là thách thức của COP 21, tiếng nói của VN tại COP 21 ra sao... đang là vấn đề rất quan tâm không chỉ của riêng các đối tượng bị tổn thương trong hiện tại. Theo ông Phạm Văn Tấn: Từ nay đến tháng 11 thời gian không còn nhiều nhưng chúng tôi cũng đang cố gắng nghe ý kiến để điều chỉnh quan điểm về các vấn đề đảm bảo của VN.

Ông Tấn cho biết: Ngay từ Hội nghị năm 2007 chúng ta đã hi vọng đi đến đàm phán cuối cùng tuy nhiên chưa được như kỳ vọng, và mốc COP 21 được mọi người cho là hạn cuối.

Với COP 21, thế giới cho rằng đây là giới hạn cuối cùng để thế giới thông qua thoả thuận ứng phó với BĐKH. Theo các chuyên gia cho biết, lí do chính là bởi khoảng không để phát triển hiện nay chỉ còn 1 nghìn triệu tấn CO2 tương đương, con số rất nhỏ so với tổng lượng khí thải. Chúng ta phải làm khẩn cấp ngay... Chúng ta phải làm ngay, bởi vì các quốc gia sẽ mất cả quá trình để thông qua thoả thuận đó, để phê chuẩn thoả thuận đã đạt được thông thường mất vài năm.

Khắc phục, hạn chế được biến đổi khi hậu mới ổn định
cuộc sống của người dân. Ảnh: Lê Khánh.

Kỳ vọng của Việt Nam ở COP 21

Vậy VN là nước sử dụng nguồn lực như thế nào khi mà lượng phát thải đứng thứ 31 còn GDP thì đứng thứ 55? Theo ông Tấn, chúng ta cũng phải biết mình đang đứng ở đâu để hướng tới. “Chúng tôi cũng coi năm nay là năm quan trọng. Từ đầu năm đã đề nghị kiện toàn Ban công tác đàm phán, chuẩn bị kĩ thông tin cơ sở để tìm hiểu đề xuất, chuẩn bị dự kiến đóng góp cho quyết định...”, ông Tấn nói.

Nội dung này đã được VN chuẩn bị ngay sau COP 20 diễn ra. Báo cáo này cũng được lấy ý kiến rộng rãi các thành phần bộ ngành, trình thủ tướng Chính phủ vào ngày 11/9 vừa qua. Ban công tác hiện nay chính thức có 20 người, gồm các thành viên trong các bộ quan trọng của VN đều tham gia vào Ban công tác đàm phán. Nhưng bên cạnh đó còn có đội ngũ cán bộ các viện, ngành cùng chuẩn bị nội dung, cũng có Hội đồng tư vấn về BĐKH quốc gia...

Có ý kiến cho rằng, những nước lớn là những nước gây phát thải lớn nhất. Vậy từ phía Trung Quốc và Mỹ động thái của những nước này tham gia COP 21 có gì để chúng ta tin tưởng? Ông Tấn cho biết: Thời gian gần đây Chính phủ Hoa Kỳ đã rất tích cực. Đặc biệt vừa rồi cũng đưa ra chương trình hành động vì năng lượng sạch, đã cho thấy sự kiên quyết.

Về các giải pháp ưu tiên của VN cho BĐKH, ông Tấn chia sẻ: Trong báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định, VN có ưu tiên cả thích ứng và phòng chống. Thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai để làm thế nào tồn tại được với điều kiện thiên tai khắc nghiệt, do biến đổi do khí hậu gây ra từ đó ổn định cuộc sống của dân, đóng góp tốt hơn cho quá trình giảm phát thải khí nhà kính. Giảm phát thải khí nhà kính thì đóng góp trực tiếp cho sự giảm nóng lên của toàn cầu do hiệu ứng khí nhà kính gây ra.

Riêng vấn đề ứng dụng công nghệ như thế nào để giảm thiểu BĐKH? Ông Tấn cho rằng, đây là yêu cầu của toàn thế giới. Mỗi lần đàm phán là một lần kêu gọi hành động, hành động thế nào giảm phát thải khí nhà kính. Trong COP lần này có điểm mới là mỗi quốc gia sẽ nói lên mình đóng góp được cái gì, giảm thế nào, dùng bao nhiêu năng lượng tái tạo, bảo vệ rừng ra sao... đều sẽ được tính toán có phương án giảm nhẹ hết cả. Hi vọng với những nỗ lực tính toán chi tiết như vậy của VN cũng sẽ là sự nỗ lực chung của tất cả các nước. Mong muốn tất cả các nước khác cũng nỗ lực tương tự, phù hợp với lượng phát thải khí nhà kính mà họ đã thải ra trong quá khứ.

Trong những năm trước tham gia COP, VN chưa có nhiều điều kiện nên thường tổ chức các hoạt động trưng bày chung với các nước khác, tuy nhiên theo ông Tấn trong COP 21 lần này này sẽ tập trung trưng bày một gian, hoạt động nhiều hơn, mạnh mẽ hơn. VN tham gia COP 21 lần này chính là cơ hội để có điều kiện thâm nhập vào xây dựng luật ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó sẽ giảm những vấn đề có hại cho VN, đưa vấn đề có lợi cho VN. “Trách nhiệm nặng nề nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành”, ông Tấn cam kết.

Ông Koos Neefjes, chuyên gia Biến đổi khí hậu: Khoảng 6 năm đã trôi qua, từ hồi COP diễn ra tại Đan Mạch, sắp tới là Paris, hầu hết trên thế giới cho rằng không được như mong muốn hoàn toàn. Bây giờ chắc chắn có nhiều hi vọng hơn nữa so với hồi đó. Tôi nghĩ đã có sự đồng thuận nhất trí chính sách, đã có luật bảo vệ môi trường, luật giảm thiểu rủi ro, kế hoạch hành động quốc gia, tăng trưởng xanh, nhiều tỉnh thành cũng có kế hoạch. Có Ủy ban BĐKH quốc gia... Mọi người nhìn nhận VN đã có những điểm tốt, đã thành lập được Ủy ban BĐKH quốc gia, đây là một cơ chế quan trọng trao đổi thông tin. Có các dự án về cơ chế phát triển sạch, có nhiều hoạt động trong vấn đề làm sao giảm thiểu tác động từ phá huỷ rừng...

Các kịch bản khác nhau về BĐKH sẽ xảy ra ở VN, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ra làm sao, và chúng ta làm thể nào để thích ứng biến đổi khí hậu? Tôi nghĩ, sự đồng thuận về mặt chính trị cũng đã được gia tăng trên góc độ quốc tế. Cũng nghĩ rằng mọi việc khá khả thi ở Paris với sự tham gia của tất cả các bên, không giống như lần trước có một số quốc gia quan trọng lại không tham gia. Rất nhiều khả năng là sẽ đạt được. Tôi tin tưởng mạnh mẽ như thế.

Huyền Trang