Đắk Lắk: Trung tâm hành chính huyện gây ngập cục bộ
Hơn 2 năm nay, cứ mỗi lần trời đổ mưa là hàng chục hộ dân thuộc 2 xã Dray Bhăng và Hòa Hiệp (huyện cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) lại thấp thỏm lo âu khi hàng chục hé ta canh tác cà phê xen hồ tiêu nguồn thu chính của gia đình họ bị nước mưa từ Trung tâm hàng chính huyện tràn về ngấn chìm, cuốn trôi hoa màu, khiến cho hồ tiêu chết dần chết mòn do ngập úng, cà phê giảm năng suất. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên phía chính quyền và cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết do “
Các hộ dân đắp đê chống nước tràn cứu vườn cây
Khu hành chính tập trung của huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, được đầu tư xây dựng trên hàng chục héc ta là niềm tự hòa của cán bộ và nhân dân địa phương. Thế nhưng từ khi khu hành chính này đưa vào sử dụng cũng là lúc người dân có rẫy, vườn xung quanh lại thấp thỏm lo sợ mỗi khi trời đổ mưa. Ông Mai Xuân Long trú tại thôn Kim Phát (xã Hòa Hiệp) có 1 héc ta trồng cà phê xen hồ tiêu thường xuyên bị ngập úng bức xức: “Cả mấy chục năm nay chúng tôi canh tác sản xuất ở đây chưa bao giờ có hiện tượng ngập úng gì hết. Nếu như phía đầu nguồn có sông, suối gây ngập úng thì người dân chúng tôi chẳng dám kêu. Vậy mà 2 năm nay khi Khu hành chính tập trung huyện Cư Kuin về xây dựng ở đây không làm hệ thống thoát nước, cùng với đó hơn 750 hé ta trồng cao su của Nông trường 19-8 sau khi trồng lại cũng đào mương, đặt cống nên hễ cứ có mưa là bao nhiêu nước 2 nơi nay cứ đổ dồn về như lũ quét tràn ngập hết rẫy vườn người dân làm cho cây cối không sống nổi”. Hiện 1 ha cà phê trồng xen tiêu của gia đình ông Long mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng 2 năm nay khi vườn tiêu hơn 700 trụ của gia đình ông bỏ bao nhiêu công sức, tiền của chăm sóc chuẩn bị cho thu hoạch thì bị nước mưa tràn về gây ngập úng chết 300 trụ thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Ông Long buồn bã, nếu chính quyền không có biện pháp xử lý tình trạng ngập úng này thì chỉ vài tuần tới các trụ tiêu của gia đình ông và hàng ngàn trụ tiêu của các gia đình xung quanh đây sẽ lần lượt rũ héo lá và chết trắng, thiệt hại về kinh tế của người dân không hề nhỏ.
Vườn tiêu của gia đình ông Mai Xuân Long nhiều cây bắt đầu chết do bị ngập úng
Không chỉ cây tiêu úng nước chết mà nhiều diện tích cà phê của người dân cũng giảm năng suất đáng kể khi nước mưa thường xuyên tràn về, gây ngập. Ông Nguyễn Tiến Đức thôn Kim Châu (xã Dray Bhăng) cho biết: Gia đình ông có 1 ha cà phê trồng xen tiêu nằm ngay sát tỉnh lộ 10 đối diện với UBND xã Dray Bhăng, trước đây khi chưa có Khu hành chính tập trung của huyện thì dù trời có mưa lớn thế nào chỉ vài tiếng đồng hồ là nước rút hết, cây cối vẫn sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Vậy mà hơn 2 năm nay, vườn cà phê nhà ông cứ mối lần mưa là bao nhiêu đất đá, lại tràn lấp hết bồn, xô đổ cây khiến cho năng suất sụt giảm nghiêm trọng. Còn cây tiêu năm nay ông trồng xuống thì mùa mưa năm sau tràn về cuốn phăng đi hết chỉ còn trơ lại mỗi trụ. Mùa mưa năm nay, ông phải thuê xe mua đất, nhờ cậy anh em họ hàng cắt cây đóng cọc, đổ đất làm đê cao hơn mặt rẫy cả mét để chóng nước tràn vào vườn. Để bảo vệ 2 ha trồng tiêu, cà phê, xen sầu riêng mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình trên tỷ đồng, ông Phạm Văn Đoán, thôn Kim Phát xã Hòa hiệp, hai năm qua đã bỏ ra trên 100 triệu đồng mua đất, thuê máy xúc ủi đê để ngăn nước tràn nhằm cứu vườn cây của mình. Ông Đoán chia sẻ: “Giờ chờ chính quyền địa phương lập phương án xây dựng hệ thống thoát nước thì vườn cây tiền tỷ nhà tôi chẳng còn. Thôi thì trước mắt mình cứ cố sức cứu vườn cây mình trước đã, chứ chờ thì đến bao giờ”. Không chỉ ông Đoán mà anh em nhà ông Mai Văn Hiển ở thôn Kim Châu (xã Dray Bhăng) có 5 ha canh tác cũng bỏ công bỏ của, đổ đất đắp đê hết cả 50 triệu nhưng không cứu vãn được vườn cây. Ông Hiển chua chát nói: “Chúng tôi đã gửi hàng chục lá đơn lên các cấp nhưng chưa thấy họ có phương án gì cả. Giờ thì tiêu chết, cà úng, màu mất. Hễ cứ có mưa là người dân chúng tôi cả đêm thức trắng để chống ngập từ cưa cây, đóng cọc, đổ đất. Thế mà cứ đổ bao nhiêu đất thì mưa đến lại trôi hết”. Theo thống kê của UBND huyện Cư Kuin hiện trên địa bàn xung quanh khu vực hành chính trung tâm huyện có khoảng 30 héc ta cà phê, tiêu của hơn 30 hộ dân bị thiệt hại nặng nề do ngập úng. Chưa kể trận mưa ngày 7-9 mới quét qua nhiều diện tích cây trồng trong đó có cây hồ tiêu đang chuẩn bị cho thu hoạch cũng có hiện tượng vàng lá, héo úa và chết do nước mưa gây ngập úng.
Hộ ông Đoán thuê máy múc đắp đê chống ngập cho vườn cây cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng
Trao đổi với chúng tôi ông Ngô Tấn Lễ, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Cư Kuin cho biết: Nguyên nhân ngập lụt cục bộ tại trung tâm hành chính huyện, nương rẫy, nhà ở của người dân tại thôn Kim Châu (xã Dray Bhăng) gây thiệt hại lớn về sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống của người dân là do cơ sở hạ tầng hành chính trung tâm huyện được xây dựng với quy mô lớn nhưng chưa có hệ thống thoát nước. Cùng với đó nước từ diện tích cao su của Công ty Cao su sau khi tái canh hệ thống bờ bao chưa đạt yêu cầu nên mưa lớn nước ồ ạt kéo về gây ngập lụt. Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện đã tiến hành lập thủ tục đầu tư hệ thống thoát nước khu trung tâm hành chính và đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 với mức đầu tư trên 30 tỷ đồng tuy nhiên đến nay do địa phương còn nhiều khó khăn nên chưa có kinh phí triển khai; cùng với đó UBND huyện đã có công văn đề nghị phía Công ty Cao su phải gia cố bờ lô đảm bảo giữ nước, tránh tình trạng để nước tràn về ồ ạt gây ngập úng nghiêm trọng trung tâm hành chính và diện tích cây trồng của người dân.
Trong lúc chờ chính quyền địa phương họp bàn tìm phương án chống ngập úng cục bộ, để cứu vườn cây nguồn sống chính của gia đình, các hộ dân nơi đây đã họp nhau lại tổ chức cắt cây, phát cành mang ra tỉnh lộ 10 bên cạnh khu trung tâm hành chính của huyện đóng cọc, nạo vét kênh mương, góp tiền mua đất đắp đê dài gần 2km để chống nước tràn vào vườn cây. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng huyện Cư Kuin cần sớm vào cuộc giải quyết để người dân bớt khổ.