Nâng cao sức khỏe gia đình Việt
Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình bình chọn, xét tặng “Giải vàng chất lượng Vì sức khỏe gia đình Việt” cho sản phẩm phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản có chất lượng và được tin dùng tại Việt Nam theo chu kỳ 2 năm 1 lần.
Bảo đảm chất lượng sản phẩm y tế để nâng cao sức khỏe gia đình.
Theo Báo cáo của Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, hiện nay vấn đề đáp ứng nhu cầu phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa sức khỏe sinh sản (SKSS) cho người dân đang là một thách thức lớn đối với chương trình DS-KHHGĐ. Cùng với các sản phẩm được cung cấp trong chương trình DS/KHHGĐ/SKSS được quản lý nghiêm ngặt vẫn còn nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ được đưa vào thị trường. Việc bảo vệ sức khỏe người dân, tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về các PTTT, hàng hóa SKSS có chất lượng là cấp thiết trong giai doạn hiện nay.
Nhận thức được điều đó, ngày 18/9, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Hội KHHGĐ VN tổ chức lễ khởi động chương trình xét tặng “Giải vàng chất lượng Vì sức khỏe gia đình VN”.
Sử dụng các phương tiện tránh thai an toàn
Theo ông Hồ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHGĐ cho biết: Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ 2006, tuy nhiên mức sinh còn biến động khó lường, để thực hiện mục tiêu “Duy trì mức sinh thấp hợp lý” dự báo giai đoạn 2016-2020 nhu cầu về số lượng sản phẩm PTTT và hàng hóa SKSS sẽ tiếp tục gia tăng, song khả năng đáp ứng của ngân sách là hết sức khó khăn. Bên cạnh nhu cầu tăng về số lượng thì nhu cầu đa dạng hóa các sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS về chủng loại, hình thức và chất lượng cũng là một vấn đề đặt ra, đó là đòi hỏi hợp lý của các nhóm khách hàng khi mà mức thu nhập, đời sống dân cư ngày càng tăng lên.
Theo ông Hùng, trên thị trường hiện nay xuất hiện không ít loại PTTT , hàng hóa SKSS không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được đăng ký quản lý chất lượng và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Nhận thức được vấn đề trên, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình bình chọn, xét tặng “Giải vàng chất lượng Vì sức khỏe gia đình Việt” cho sản phẩm PTTT và hàng hóa SKSS có chất lượng và được tin dùng tại Việt Nam theo chu kỳ 2 năm 1 lần với mục đích định hướng cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất và cung ứng các sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS nâng cao chất lượng; Tăng khả năng tiếp cận và sử dụng của người dân đối với các sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS liên quan đến lĩnh vực DS-KHHGĐ có chất lượng và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Cần phối hợp rà soát các sản phẩm kém chất lượng
Bà Ritsu Nacken - Quyền trưởng đại diện Qũy dân số Liên hợp quốc tại VN chia sẻ: Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu nhân khẩu học và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, điều này đặt ra nhu cầu ngày càng tăng về hàng hóa, dịch vụ SKSS, KHHGĐ. Số liệu từ báo cáo Điều tra đánh giá Các mục tiêu trẻ em và Phụ nữ (MICS) 2014 cho thấy nhu cầu về các biện pháp tránh thai chưa được đáp ứng ở phụ nữ trẻ đã lập gia đình hoặc sống chung với bạn tình cao hơn nhiều so với phụ nữ lớn tuổi.
Bà cũng cho biết, theo một báo cáo nghiên cứu tiến hành năm 2014, chất lượng bao cao su trên thị trường tự do còn cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa.
GS Nguyễn Đức Vy - nguyên Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, Chủ tịch Hội Sản phụ khoa VN cũng đồng tình: Với việc sử dụng PTTT không rõ nguồn gốc sẽ gây tác hại đưa đến hội chứng nhiễm trùng đường sinh dục dưới. Thậm chí cả cơ quan sinh dục lên tới cổ tử cung… Đặc biệt thuốc tránh thai giả cũng sẽ gây nguy hiểm, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết, và cả gây vô sinh. Còn có thai ngoài ý muốn là đương nhiên. Đa số với thuốc giả, cũng có thể người ta dùng thuốc tránh thai thật nhưng không pha theo đúng nguyên tắc. Chung quy lại, tất cả những loại thuốc tránh thai đều phải được dùng bảng kiểm 12 chữ có và không, chỉ cần 1 chữ “có” đã không được dùng. Nguyên cứu phải có hệ thống, bài bản, có đề cương nghiên cứu, có hội đồng KHKT duyệt, sau đó phải có nghiệm thu.
Tác hại là thế, nhưng theo BS Nguyễn Đình Loan, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe sinh sản (hiện là Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em): Việc rà soát các PTTT, hàng hóa trôi nổi là rất khó. Vì vậy tôi nghĩ cách tốt nhất, Tổng cục DS-KHHGĐ nên kết hợp với các cơ quan thanh tra, Ban Quản lý thị trường thì mới có thể rà soát được từng khu vực. Hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng mà người ta quảng cáo thì lập tức nhân viên của Quản lý thị trường, đo lường chất lượng và nhân viên thanh tra của y tế rà soát ngay. Sau đó có thể xử lý bằng nhiều phương pháp. Họ liều lĩnh, cứ làm bừa thì rất là khó. Bởi vì người tiêu dùng cứ nghe thấy quảng cáo tốt thì cứ tưởng là tốt thật, không đếm xỉa gì đến chất lượng…