Trông vời con nước
Những năm trước, ở thời điểm này bà con vùng lũ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ nhộn nhịp mưu sinh mùa nước nổi. Nhưng năm nay lũ không về, các cánh đồng ngóng nước. Nguồn thủy sản như rắn, tôm, đặc biệt là cá linh khan hiếm. Các làng nghề phục vụ cho mùa lũ như đan lọp, đan lưới theo đó cũng hẩm hiu…
Lũ không về, nguồn thủy sản cũng khan hiếm dần.
Cồn Cốc ngóng lũ
Không biết từ bao giờ cồn Cốc ở ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang xuất hiện làng nghề đan lọp. Cái nghề cứ nương theo con nước mà phát triển. Người dân cồn Cốc kể lại, chỉ vài năm trước đây thôi, khoảng tháng giữa tháng 6 âm lịch trở đi, khi con nước ngấp ngé từ đầu nguồn là làng đan lọp lại nhộn nhịp hẳn lên.
Các mối làm ăn cứ từ các nơi kéo đến đặt hàng tấp nập, thậm chí có cả mối từ Campuchia cũng tìm đến. Từ sáng đến tối mịt, thậm chí đến khuya các hoạt động đều tạm dừng để tập trung đan lọp để kịp bỏ mối cho khách. Người dân ở đây thường nói câu, “nước lên thì thuyền cũng lên”- ý nói về cuộc sống của người dân khá lên nhờ có lũ.
Năm nay, lựa đúng thời gian mà trước đây lũ về cao, chúng tôi xách xe máy chạy qua vùng lũ, thậm chí còn chạy lên tận vùng thượng nguồn biên giới An Giang, nhưng nước về rất yếu, nhất là nơi thượng nguồn điểm mà người dân thường tập trung khai thác thủy sản, đông như chợ nổi cũng chỉ có vài ghe xuồng cụm lại với nhau.
Ông Nguyễn Minh Hương ở cồn Cốc năm nay đã bước sang tuổi 70, cuộc đời của ông gắn liền với nghề đánh bắt thủy sản ở vùng thượng nguồn sông Hậu. Ngồi trên ghe nhìn về hướng xa xa ông nói với vẻ tiếc nuối:
- Những mùa lũ “đẹp” ngày nào người dân ở đây cũng đánh bắt được vài trăm kg cá, nhiều nhất là cá linh non, thu nhập cũng được cả triệu bạc mỗi ngày. Khoảng 3 năm trở lại đây lũ không về, lượng cá cũng ít, nhất là cá linh cũng giảm mạnh...
Từ nghề làm tranh thủ lúc nhàn rỗi tăng thêm thu nhập cho chị em, nhưng gần chục năm trước nghề đan lọp ở cồn Cốc đã trở thành nghề chính của người dân vùng này, nhiều người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu xây dựng được nhà cửa khang trang cũng nhờ đan lọp. Thời thịnh vượng của làng đan lọp cung cấp cho thị trường cả trăm ngàn cái lọp rải khắp các tỉnh miền Tây.
Được người dân ở cồn Cốc giới thiệu, chúng tôi đã có buổi trò chuyện thân mật với “Vua lọp”- ông Nguyễn Văn Tòng, với cảm giác buồn rầu, ông Tòng tâm sự: Cái sân trước nhà, những năm trước chất đầy tre nứa, thậm chí còn căng bạt để nhân công ngồi đan lọp, những người thân trong gia đình, già trẻ, lớn bé được huy động hết, nhưng vẫn không kịp thời gian giao cho khách hàng, có khi còn từ chối các mối.
Những mùa lũ trước gia đình ông Tòng bán hàng chục ngàn cái lọp. Nhưng năm nay, nhân công cũng không thuê, chỉ cần người nhà đan là đủ bỏ mối. Mùa lũ này ông Tòng chỉ mua nguyên liệu đủ để làm khoảng 1.000 cái lọp, không dám mua thêm, trong số lọp đó còn để khoảng trên dưới 100 cái cho con cái ông đi đặt cá linh để kiếm thêm thu nhập.
Từ chỗ có cả trăm hộ mưu sinh bằng nghề đan lọp phục vụ lũ, đến nay chỉ còn vài chục hộ, đan theo mối cố định. Nhiều gia đình bỏ nghề đi làm ăn xa. Buồn chán, thất vọng là vậy, nhưng trong câu chuyện với ông Tòng cũng như người dân gắn bó với nghề đan lọp cũng cảm thấy tiếc nuối cho làng nghề và lo lắng cho cuộc sống mưu sinh của bà con vùng này.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng cũng thấy buồn cho số phận của làng nghề: Cồn Cốc hiện có 120 hộ dân sinh sống. Gần chục năm trước ở đây nhà nào cũng đan lọp và khá lên nhờ nghề này. Vài năm nay nước lũ nhỏ, nguồn thủysản cũng khan hiếm khiến các mối đặt hàng của làng nghề cũng dần ít đi. Số hộ bám trụ với nghề rất ít, làng nghề có nguy cơ xóa sổ…
Làng lọp Thới Long cũng mất mối vì lũ không về.
Hẩm hiu làng nghề
Ở ĐBSCL làng nghề phục vụ cho lũ nhiều và quy mô nhất vẫn là ở Thành phố Cần Thơ với làng nghề đan lưới Thơm Rơm (phường Tân Hưng) và làng đan lọp phường Thới Long của quận Thốt Nốt. Hai làng nghề này hình thành và phát triển hàng chục năm qua phục vụ ngư cụ cho bà con các tỉnh thành vùng này đánh bắt thủy sản. Năm nay không có lũ, cá không về khiến cho làng lưới bên chân cầu Thơm Rơm và làng lợp hẩm hiu hẳn.
Qua tìm hiểu nhiều cửa hàng cho biết, hồi đầu mùa lũ còn chộn rộn vài ngày, đến giờ rất ít người mua, có chăng vài khách đến mua để thả dưới đồng chứ không phải để đón lũ.
Theo thống kê của UBND phường Tân Hưng thời điểm cao trào, làng lưới Thơm Rơm có trên 350 hộ, cơ sở chuyên sản xuất lưới hình thành và phát triển đến nay cũng gần 30 năm, tập trung tại 2 ấp (ấp Tân Lợi 1 và ấp Tân Lợi 2). Hàng năm doanh thu của làng lưới Thơm Rơm ước đạt 17 tỉ đồng/năm. Tạo việc làm cho trên 1.200 lao động, thu nhập bình quân trên 50.000 đồng/người/ngày, có lúc vào mùa vụ có thể lên đến 100 ngàn đồng/ngày/người.
Thường giai đoạn từ tháng 3 hay tháng 4 âm lịch là người dân làng lưới lại rục rịch vào nghề phục vụ cho mùa lũ. Năm nay các khách hàng của Thành phố Cần Thơ giảm mạnh, chỉ còn vài khách đến mua lưới nhưng dạng lưới tay. Còn các mối ở các tỉnh khác như An Giang, Đồng Tháp cũng không qua nữa.
Ông Lê Văn Bảy làm nghề đan lưới ở ấp Tân Lợi 2 cảm thấy ngao ngán khi lưới bán ế ẩm. Có những lúc làng nghề rơi vào cảnh thăng trầm khi lưới ngoại tràn vào thị trường khiến cho làng lưới tưởng như phá sản nhưng rồi người dân đã biết cách để tồn tại và duy trì phát triển. Nhưng một hai năm trở lại đây làng lưới Thơm Rơm đang gặp nhiều khó khăn mà cái khó khăn này dường như không có đầu ra, đó là lũ càng ngày càng ít đi, nguồn thủy sản cho vùng sông nước cũng ngày càng cạn kiệt dần, làng lưới cũng thất thu, đây cũng chính là lo lắng của người dân làng lưới này- ông Bảy phân trần.
Hàng chục năm qua, buồn vui theo từng con nước, nhưng năm nay ông Lê Văn Đời ở huyện Cờ Đỏ cảm thấy lạ:
- Con nước lũ năm nay thật lạ, lên xuống thất thường như có ai điều khiển. Nhưng mực nước thấp hơn so với những năm trước rất nhiều…
Để chuẩn bị cho mùa lũ năm nay ông Đời đã chuẩn bị cả chục tay lưới đủ loại. Nhưng đến thời điểm này ông chỉ sử dụng vài tay lưới để thả ở ruộng bắt cá đồng, một ngày may ra chỉ được vài kg, đủ trang trải hàng ngày…
Những năm trước nếu vùng An Giang lũ kém, thì người dân đánh bắt thủy sản chạy qua vùng Đồng Tháp Mười cũng vớt vát có thu nhập. Nhưng năm nay vùng Đồng Tháp Mười cũng không có lũ, nguồn thủy sản cũng khan hiếm. Ông Lê Văn Lam, 65 tuổi, nông dân xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho biết:
- Năm nay lũ thấp chưa từng có. Không có lũ thì vụ sau sẽ khó khăn, chi phí tăng khoảng 30%. Đồng ruộng không được lũ dọn vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh, không có phù sa bồi đắp, đất bị bạc màu. Vì thế chi phí làm đất, bón phân tăng cao. Nước không lên ruộng nghỉ luôn nuôi tôm cá, lươn…
Nghề đan lưới ế ẩm.
Theo thông tin mà Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự cho biết, hiện mực nước đầu nguồn là 2,24m, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 1,90m ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề khai thác thủy sản như lợp lờ, câu, lưới. Ngoài ảnh hưởng đến khai thác thủy sản thì cũng ảnh hưởng đến vấn đề nuôi trồng thủy sản đối với mô hình nuôi tôm mùa lũ. Như cùng thời điểm của năm ngoái này thì tôm đã thả lên ruộng được 10 ngày và tôm phát triển tốt, còn riêng năm nay, hiện nay thì vẫn còn nằm trong diện tích ươm, mực nước còn thấp nên chưa thả ra ruộng.
Khoảng 4 đến 5 năm trở lại đây, khi các nước trong lưu vực sông Mê Kông tập trung xây dựng đập thủy điện thì mùa lũ cũng thay đổi theo chiều hướng mất dần, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản theo đó cũng khan hiếm. Người dân và chính quyền địa phương ở vùng này lo lắng các làng nghề phục vụ cho mùa lũ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Từ những thông tin dự báo của ngành chức năng và kinh nghiệm của bà con vùng lũ thì năm nay lũ sẽ không có hoặc rất ít. Lại một năm nữa lũ “trễ” hẹn với người dân vùng sông nước Cửu Long. Những con người mong chờ mưu sinh mùa nước nổi, mùa lũ lại sẽ thất thu, làng nghề phục vụ lũ theo đó cũng hẩm hiu. Làng nghề đan lọp, lưới sẽ đi về đâu, hay là vẫn lênh đênh theo từng con nước…
Theo ngành nông nghiệp tỉnh An Giang và Đồng Tháp, nhiều năm qua, hoạt động động sản xuất trong mùa nước nổi ở hai địa phương này hàng năm đã tạo ra giá trị hơn 5000 tỷ đồng, giải quyết việc làm gần triêu lao động, nhưng năm nay gần đây hiệu quả sẽ rất thấp vì không có lũ. Lo ngại nhất là khi không có lũ thì chi phí sản xuất sẽ tăng cao trong khi năng suất, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng.