Hiệu quả từ giám sát của nhân dân
Thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Ban Thanh tra Nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ).
Hoạt động của giám sát nhân dân đã góp phần nâng cao chất lượng
các công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ đầu năm 2015 đến nay qua hoạt động, các ban đã hòa giải thành công hơn 1.500 vụ việc, trong đó có 1.200 vụ tranh chấp tài sản, 200 vụ về hôn nhân gia đình, 121 vụ việc khác. Đặc biệt đã tham gia giám sát hơn 1.400 cuộc về việc thu, chi, sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp trong việc xây dựng nông thôn mới, giám sát việc giải quyết 821 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. |
Hoạt động tích cực của các Ban này đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, tạo điều kiện củng cố, xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 137 Ban TTND, 131 Ban GSĐTCCĐ. Các Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ đều đã xây dựng quy chế, chương trình hoạt động cụ thể, các thành viên trong Ban được phân công nhiệm vụ phụ trách các khu, cụm dân cư.
Hàng tháng, những ý kiến của các thành viên trong Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ được phản ánh tại mỗi kỳ giao ban và được tổng hợp, đề xuất với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã những vụ việc vướng mắc, nổi cộm, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Sau khi tìm hiểu, xác minh, nhiều vụ việc đã được các Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ thống nhất lựa chọn để kiến nghị bằng văn bản với Chủ tịch UBND cùng cấp và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, tránh xảy ra những điểm nóng ngay tại cơ sở.
Tại thành phố Vĩnh Yên qua hoạt động các Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát cộng đồng, đã tổ chức được 19 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho trên 1.800 lượt người; nhận và giải quyết 195 đơn khiếu nại, tố cáo; thực hiện giám sát quy trình giải phóng mặt bằng đất dịch vụ các dự án, giám sát việc chi trả, cấp đất dịch vụ cho nhân dân, giám sát thực hiện Chỉ thị 05, Nghị quyết 06 của Thành ủy về quản lý đô thị, quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn; tổ chức 26 cuộc giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn phường, xã.
Điển hình như tại phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, các Ban TTND đã thực hiện việc giám sát giải quyết các hộ lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, thực hiện việc tháo dỡ đối với các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực trật tự đô thị, lấn chiếm hành lang, vỉa hè.
Hoạt động của Ban GSĐTCCĐ tập trung chủ yếu thực hiện việc giám sát các công trình được đầu tư trên địa bàn phường như mở rộng nghĩa trang liệt sĩ phường, xây dựng Đình Cả, xây dựng Trường mầm non Tích Sơn, kè hồ Bờ Phác, xây dựng và đưa vào sử dụng nhà văn hóa tổ dân phố Vĩnh Thịnh 5…
Từ đầu năm 2015 đến nay qua hoạt động, các ban đã hòa giải thành công hơn 1.500 vụ việc, trong đó có 1.200 vụ tranh chấp tài sản, 200 vụ về hôn nhân gia đình, 121 vụ việc khác. Đặc biệt đã tham gia giám sát hơn 1.400 cuộc về việc thu, chi, sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp trong việc xây dựng nông thôn mới, giám sát việc giải quyết 821 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ngoài ra, Ban TTND còn tham gia giám sát nhiều hoạt động của UBND và HĐND cấp xã. Các nội dung giám sát chủ yếu là sử dụng đất đai tại xã, phường, thị trấn; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết; theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
Qua các cuộc giám sát, các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ đã kịp thời phát hiện những sai phạm, thiếu sót để báo cáo, kiến nghị lên các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh. Đặc biệt bằng sự đeo bám sau giám sát, các ban phát hiện được nhiều công trình vi phạm trong xây dựng về chất lượng, chủng loại vật tư, bớt xén các hạng mục, thi công không đúng với thiết kế kỹ thuật ban đầu; qua đó kiến nghị chính quyền có biện pháp buộc các nhà thầu khắc phục kịp thời các sai phạm.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đỗ Thị Ngọc Hân, ở nhiều địa phương, hiệu quả hoạt động của các ban này còn nhiều hạn chế, khó khăn. Tuy đã thường xuyên được kiện toàn, củng cố, và được tập huấn hàng năm nhưng năng lực, nhận thức của một số thành viên vẫn hạn chế, yếu về nghiệp vụ.
Việc hỗ trợ cho hoạt động của các ban, chế độ chính sách đối với các thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ còn bất cập. Trong công tác giám sát một số công trình xây dựng, dự án, chủ đầu tư còn chưa thực hiện việc cung cấp thông tin cho Ban GSĐTCCĐ…
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc, để hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ tại cơ sở phát huy được vai trò, hiệu quả trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi để các ban hoạt động; cùng với đó nâng cao trình độ, năng lực cán bộ cơ sở, bổ sung vào các ban những thành viên có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm qua đó nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận, củng cố và xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.