Có nên quy định cứng thời lượng cảnh 'nóng' trong phim?

Triết Giang 21/09/2015 09:35

Bỏ qua thực trạng lạm dụng cảnh nóng trong phim Việt (chủ yếu là phim truyền hình hiện nay), trong sáng tạo nghệ thuật việc quy định cứng nhắc 5s, 10s cho những cảnh ôm hôn, ân ái… e là cơ học quá. Lại liên tưởng tới việc quy định về cái chân váy nơi công sở một dạo. Cũng đầy đủ các hội thảo, các văn bản… nhưng người ta thấy đáng buồn cười hơn là việc phải chấp hành nó.

Có nên quy định cứng thời lượng cảnh 'nóng' trong phim?

Cảnh trong phim “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di

Liên quan đến cảnh nóng trong phim Việt, lần này các nhà quản lý và giới chuyên môn vừa ngồi bàn với nhau về chuyện phải phân loại phim theo độ tuổi. Tất nhiên là sau hội thảo mà Cục Điện ảnh tổ chức cuối tuần vừa rồi, giới chuyên môn vẫn còn nhiều băn khoăn, có người không đồng tình với các tiêu chí và quy định của cơ quan quản lý văn hoá về việc thẩm định và dán mác phân loại cho phim Việt.

Bởi theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim, tiêu chí phân loại phim của Việt Nam sẽ được chia thành 4 cấp độ: P (phổ biến rộng rãi): Chủ đề của phim phù hợp với khán giả ở mọi lứa tuổi; C13 (không phổ biến đến trẻ em dưới 13 tuổi): Chủ đề phim phù hợp với khán giả từ 13 tuổi trở lên; C16 (không phổ biến đến trẻ em dưới 16 tuổi): Chủ đề phim phù hợp với khán giả từ 16 tuổi trở lên và C18 (không phổ biến đến người xem dưới 18 tuổi): Chủ đề phim phù hợp với khán giả từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, những quy định liên quan đến cảnh khỏa thân, tình dục, sử dụng chất kích thích… trong phim nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu trong cuộc hội thảo.

Nhiều đạo diễn băn khoăn rằng trong dự thảo thông tư, mới chỉ thấy nói chuyện khỏa thân nữ mà chưa quy định khỏa thân nam. Rồi thì Luật Điện ảnh cũng đã có những quy định liên quan, nhưng thời gian qua phim gắn mác 18+ vẫn vô tư ra rạp mà đâu có ai chịu trách nhiệm…

Bỏ qua thực trạng lạm dụng cảnh nóng trong phim Việt (chủ yếu là phim truyền hình hiện nay), trong sáng tạo nghệ thuật việc quy định cứng nhắc 5s, 10s cho những cảnh ôm hôn, ân ái… e là cơ học quá. Lại liên tưởng tới việc quy định về cái chân váy nơi công sở một dạo. Cũng đầy đủ các hội thảo, các văn bản… nhưng người ta thấy đáng buồn cười hơn là việc phải chấp hành nó. Xét cho cùng đó là những quy định thiếu thực tế.

Sau hội thảo góp ý cho Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim ban hành theo Quyết định số 49/2008/QĐ-VHTTDL nói trên, theo kế hoạch, cuối năm 2015, tiêu chí phân loại phim sẽ được áp dụng. Người đứng đầu Cục Điện ảnh cho biết việc xây dựng dự thảo Thông tư này bắt đầu từ đầu năm 2014, nhưng thực tế đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước đó. Với 9 lần soạn thảo, tham khảo ý kiến rộng rãi từ phía công chúng, các nhà làm phim, sản xuất, phát hành, chuyên gia, các hãng phim nhà nước, tư nhân..., bản dự thảo mới có thể hoàn thiện.

Người đứng đầu Cục Điện ảnh cũng cho hay, việc phân loại phim được thực hiện không phải để bỏ cấp phép phim. Thông tư này được áp dụng cùng với Luật Điện ảnh, Nghị định 54 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh và Quyết định ban hành Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim. Như vậy tới đây để một bộ phim truyện nhựa ra rạp, sẽ phải qua nhiều “cửa” giám sát. Chỉ nghe đến đó thôi cũng đã thấy mệt cho phim Việt quá.

Bởi trong khi những nhà làm phim Việt còn đang loay hoay với việc chọn đề tài; công tác phát hành phim ở những đơn vị Nhà nước vẫn trông chờ vào cơ chế bao cấp; điện ảnh chưa được phát huy để trở thành một “kênh” đại sứ văn hóa của Việt Nam… nay lại thêm những quy chuẩn mới- mà chính những người làm nghề cũng thấy khó khả thi. Vậy thì chưa rõ là việc phân loại phim tới đây có góp phần tạo ra cú hích nào cho phim Việt hay không?

Triết Giang