Vui nhưng vẫn lo

HỒ LUÂN 21/09/2015 22:20

Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế trung bình là 0,91%. Như vậy, mức cuối cùng được áp dụng thấp hơn 0,02 điểm phần trăm so với mức trung bình của lần công bố kết quả sơ bộ vào tháng 3 – 2015.

Một trong những yếu tố quyết định mức thuế này giảm so với lần trước là do Bộ Thương mại Mỹ dựa trên các dữ kiện phù hợp hơn từ 3 nước Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ để tính giá thành. Một số ý kiến cho rằng, với mức thuế POR9 giảm so với POR8 thì xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong những tháng cuối năm, sau khi sụt giảm hơn 50% trong 8 tháng đầu năm. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2014 xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh từ những tháng đầu năm và bắt đầu sụt giảm kể từ tháng 9 sau khi Mỹ công bố kết quả cuối cùng POR8, với mức cao nhất là 6,37%.

Mới đầu nghe thông tin về mức thuế mới hầu hết mọi người cho rằng, đây là cái phao cứu sinh, là động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu của ngành tôm đông lạnh tăng trưởng nhanh trong những tháng cuối năm. Lý do, mức thuế thấp giúp cho hoạt động xuất khẩu vào thị trường này được rộng đường hơn. Tuy nhiên, từ góc độ khác thì có thể thấy rằng, việc giảm giá thuế chống bán phá giá không nói lên điều gì nhiều, bởi đó chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động đến xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nghĩa là, chưa chắc khi áp dụng POR9 kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ sẽ tăng hơn. Bởi vì, trong thời gian thực hiện POR8, từ 2012 đến 2013 với thuế suất là 6,37%, DN quan ngại và lo sợ tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này sẽ giảm sút đáng kể. Song thực tế hoàn toàn ngược lại vì xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng tốt. Còn ở lần POR9 công bố sơ bộ từ tháng 3 đến nay ở mức thuế thấp nhưng xuất khẩu liên tục sụt giảm mạnh. Không chỉ giảm sụt ở thị trường Mỹ, tôm Việt Nam còn giảm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Châu Âu.

Theo giới kinh doanh, việc tăng hay giảm kim ngạch xuất khẩu tôm đông lạnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không chỉ dựa vào thuế suất chống bán phá giá cao hay thấp. Trong đó, tôm Việt Nam không ở vị trí cao nhất vì phải “chạy đua” với tôm Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Thái Lan… Đặc biệt, tôm Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt với Ấn Độ, Thái Lan nhưng Việt Nam lại nhập con giống từ 2 nước này. Do phải phụ thuộc đầu vào từ hai nước này nên chất lượng ban đầu khó có thể kiểm soát.

Vấn đề đặt ra, ngoài các yếu tố khách quan tác động đến hoạt động xuất khẩu tôm đông lạnh trên thị trường, Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tạo dựng thương hiệu uy tín nhằm phát triển theo hướng bền vững. Trường hợp lơ là hoặc không có chiến lược phát triển tốt tôm Việt Nam sẽ bị đào thải khỏi top các nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới trước sự lớn mạnh của những thương hiệu mới.

HỒ LUÂN