Doanh nghiệp minh bạch thông tin: Đòn bẩy để phát triển

Duy Phương 22/09/2015 09:10

Các doanh nghiệp nhà nước tới đây sẽ phải báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm, cũng như công khai tình hình thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, công bố chế độ tiền lương, tiền thưởng định kỳ… Đó là những yêu cầu đặt ra tại Nghị định của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần những giải pháp mạnh mẽ

Lời lãi hay thua lỗ đều phải công khai

Cụ thể, Nghị định về công bố thông tin đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nêu rõ: DNNN phải định kỳ công bố 9 thông tin liên quan đến chiến lược phát triển của DN; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm của DN; Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác.

Ngoài ra, DNNN phải báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN hàng năm; Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của DN; Công khai tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính hàng năm của DN; Cùng với việc công khai các nội dung nói trên, Nghị định cũng nêu rõ: Chế độ tiền lương, tiền thưởng của DNNN cũng phải công bố định kỳ.

Trường hợp các thông tin công bố có sự sai lệch, chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín của DN, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền công bố thông tin phải xác nhận và điều chỉnh thông tin thay đổi hoặc đính chính thông tin đó trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin đã công bố, DN phải có văn bản báo cáo giải trình với cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Thời gian qua, không ít hoạt động của DNNN được dư luận nhìn với con mắt thiếu thiện cảm. Là bởi, các hoạt động, sản xuất kinh doanh, mua sắm công… hầu như chỉ có “người trong cuộc” mới biết, thiếu sự công khai minh bạch. Đó đây đã xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, thâm hụt ngân sách nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản.

Lâu nay, vấn đề thất thoát lãng phí trong đầu tư công, mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản của khối này đã gây bức xúc dư luận. Chỉ riêng đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, trong năm 2014, cả nước có gần 1.000 dự án đầu tư có vốn nhà nước xảy ra thất thoát, lãng phí, trong đó, 115 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 10 dự án vi phạm về chất lượng; 923 dự án có thất thoát, lãng phí; 302 dự án phải ngừng thực hiện…

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc minh bạch và công bố công khai thông tin về hoạt động của DNNN là công cụ hữu hiệu để giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các DN, tránh các gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Đồng thời, giám sát tốt hoạt động của các DN cũng góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh cho DN…

Công khai minh bạch thông tin, yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Sức bật mới cho nền kinh tế

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Trưởng Bộ môn Quản trị tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) nhận định, Nghị định về công khai thông tin của DNNN sẽ là một cú hích quan trọng tạo nên sức bật mới cho nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Thịnh, việc chúng ta đang hội nhập ngày một sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, thì việc công khai minh bạch thông tin là một trong những yêu cầu đầu tiên được các đối tác quốc tế lưu ý đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, cộng đồng DN Việt Nam nói riêng.

“Lâu nay, hoạt động của các DNNN ở hầu hết các lĩnh vực như mua sắm công, xây dựng các công trình cơ bản… thiếu hiệu quả. Có tình trạng giá thành mua thiết bị, phương tiện để phục vụ cho việc công được đẩy lên cao, hoặc chậm trễ trong tiến trình xây dựng các công trình… gây ra lãng phí, thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Bởi vậy, Nghị định mới này của Chính phủ giống như một “cây gậy” chấn chỉnh lại mọi hoạt động, đầu tư của khu vực DNNN”- ông Thịnh nêu quan điểm và khẳng định: Từ Nghị định này, không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh, thông tin về đầu tư, mua sắm công... của các DNNN được công khai, minh bạch mà hơn thế, công cuộc tái cơ cấu DNNN, tập đoàn, tổng công ty nói riêng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung cũng sẽ được thúc đẩy một cách mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi các thông tin trong hoạt động của các tập đoàn, DNNN được minh bạch, công khai thì lúc đó vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên sẽ phát huy rõ rệt hiệu quả. Vì khi các DN có đủ thông tin liên quan đến đầu ra đầu vào, chi phí hoạt động ra sao… thì cơ quan giám sát mới có cơ sở dựa vào đó để đánh giá, nhận định tình hình hoạt động cụ thể của mỗi DN xem thực lực, hiệu quả đến đâu.

“Đây thực sự là đòn bẩy mới cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, bởi khu vực DNNN chính có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt nền kinh tế. Khi “người dẫn dắt” làm tốt vai trò dẫn dắt, thì nền kinh tế tất yếu sẽ đi lên một cách suôn sẻ”- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Duy Phương