Đích đến bền vững
Vào ngày 24/9 tới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tới New York (Mỹ) dự Hội nghị thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Dịp này, Chủ tịch nước sẽ thông báo tới lãnh đạo các quốc gia trên thế giới về những kết quả của Việt Nam – những kết quả có được là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhà nước và các cấp chính quyền cũng như người dân để hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs).
Nhớ lại chặng đường 15 năm qua (2001-2015) kể từ sau khi ký kết Tuyên bố Thiên niên kỷ, Việt Nam đã quyết tâm thực hiện những cam kết trên một cách mạnh mẽ và suốt 15 năm qua, các MDGs đã trở thành ưu tiên quan trọng của quốc gia. Trên chặng đường đó, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Trước tiên đó là việc Việt Nam đã về đích sớm đối với Mục tiêu 1 - về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói - từ năm 2002 với việc giảm được tỷ lệ nghèo xuống chỉ còn 9,6% (so với 58% vào đầu thập kỷ 1990). Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và dự kiến sẽ sớm hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đã thành công trong việc kiểm soát sốt rét, một số dịch bệnh nguy hiểm, bước đầu ngăn chặn được sự lây lan HIV và đang ở trước ngưỡng hoàn thành Mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em.
Mặc dù thế, nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn, Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức và trở ngại để có thể hoàn thành đúng hạn tất cả các MDGs vào năm 2015. Nhưng, chỉ nói về những thành tựu đã đạt được, rõ ràng, những gì mà đất nước Việt Nam làm được đến nay là rất đáng ghi nhận. Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo về việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam hôm 21-9, bà Pratibha Mehta- Điều phối viên thường trú LHQ và Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đã cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để chúc mừng Việt Nam.
Có lẽ không thể không chúc mừng khi xem qua một vài con số đánh giá những nỗ lực của Việt nam suốt 15 năm qua- một quãng thời gian bằng 1,5 thập kỷ bền bỉ, nỗ lực vượt lên những khó khăn của chính mình. Khoảng 43 triệu người hay 45% tổng dân số Việt Nam đã thoát khỏi nghèo đói, một thành tựu mà rất ít quốc gia khác đạt được; tỷ lệ nhập học bậc tiểu học đã đạt đến 100% trẻ em đúng độ tuổi đến trường; tỷ lệ đến trường của trẻ em gái và trẻ em trai nhìn chung đã ngang bằng nhau, cho thấy sự phân biệt đối xử về giới tính đang được từng bước loại bỏ trong hệ thống giáo dục; và tỷ lệ tử vong ở bà mẹ đã giảm được ba phần tư, tức là ngày nay hàng nghìn bà mẹ được sống để chăm sóc những đứa con của mình. Đạt được tất cả những thành quả này là nhờ nỗ lực của cả nước, theo đường hướng phấn đấu định ra trong các MDGs.
Một vài con số chưa đủ nói lên toàn bộ những nỗ lực nhưng để phân tích các nguyên nhân dẫn đến thành công ấy có thể kể đến hai yếu tố: Định hướng chính sách và cam kết thực hiện phát triển bình đẳng. Cùng với đó là phát huy mô hình kinh tế cơ bản trong đó nhấn mạnh sự tham gia của người dân vào nền kinh tế và hội nhập toàn cầu ngày càng gia tăng.
Sau 15 năm, Chính phủ rút ra nhiều bài học để đi đến thành công trong thực hiện các MDGs với Việt Nam. Đó là, muốn thực hiện các mục tiêu MDGs thành công đòi hỏi phải có quyết tâm và cam kết chính trị cao. Có hệ thống quản lý điều hành tốt và các định chế nhà nước mạnh. Bởi, chỉ có một hệ thống quản trị điều hành mạnh mới đủ khả năng bảo đảm chính sách đi đúng hướng.
Với riêng Việt Nam, một thực tế sống động đã chứng minh rằng, khi có khả năng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đa dạng thì việc thực hiện MDGs mới có nhiều cơ hội thành công. Điều này thực sự là một thách thức đối với những nước mà tiềm lực kinh tế còn khiêm tốn như Việt Nam. Bên cạnh đó là bài học về sự tiếp cận sáng tạo và hợp lý trong quá trình thực hiện các MDGs.
Trên thực tế, việc “quốc gia hóa” các MDGs đã giúp Việt Nam đến đích nhanh chóng và bền vững. Sở dĩ có định hướng này là bởi, chính Việt Nam chứ không phải quốc gia nào khác khi áp dụng vào mô hình phát triển, mô hình tăng trưởng của chính mình đã nhận rõ: Các mục tiêu MDGs đã không thể đạt được, nếu bị tách rời khỏi môi trường kinh tế - xã hội và môi trường thể chế hiện hành. Chỉ có thông qua quá trình “nội hóa” các mục tiêu MDGs, Việt Nam mới có đủ nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực, trí lực) để đạt được thành công. Việc xây dựng các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam (VDGs) là bứớc sáng tạo tiếp theo giúp làm tăng tính phù hợp của các MDGs với đặc điểm cụ thể, riêng có của Việt Nam. Các nỗ lực giảm nghèo còn được thiết kế để tập trung vào các vùng nông thôn và nông nghiệp, nơi đại bộ phận người nghèo sinh sống và làm ăn. Nông nghiệp và nông thôn đã được Nhà nước ưu tiên đầu tiên.
Cũng vì thế, tinh thần làm chủ của chính quyền cần được và đã được nâng cao ở nhiều địa phương; đồng thời chú trọng thu hút sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Và, cuối cùng, không thể không nhắc đến bài học về truyền thông khi chú trọng sử dụng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền vận động nhằm thực hiện thành công các mục tiêu MDGs. Tuyên truyền vận động đôi khi còn trở thành công cụ quản lý, giám sát, phổ biến kiến thức mới trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của các chương trình, dự án giảm nghèo.
Đi hết một chặng đường 15 năm với các MDGs về đích trước hạn và đúng hạn, chắc chắn từ nay đến những năm về sau, Việt Nam vẫn nỗ lực để duy trì kết quả của MDGs và phát triển nó sao cho trở thành các SDGs. Bởi, sau 15 năm rất cần một sự chuyển biến về chất của các MDGs hay nói cách khác là rất cần một sự phát triển bền vững cho 15 năm tiếp theo hoặc xa hơn nữa.
Điều này chắc chắn sẽ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu lên tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ sau đây ít hôm. Và, chắc chắn, cũng với nỗ lực, với quyết tâm chính trị cao như thực hiện MDGs, chúng ta kỳ vọng vào SDGs. Bởi, tất cả những gì, Đảng, Nhà nước đang làm, đang thực thi đều vì sự phát triển bền vững của kinh tế-xã hội, của người dân.