Học trái ngành, nỗi lo lâu dài
Kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua đã có khá nhiều thí sinh đăng ký học trái ngành, chỉ để có một suất vào được trường mình mong muốn. Như vậy liệu học trái ngành các em có còn đủ đam mê để theo đuổi ngành học đến cùng?
Thí sinh trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ 2015.
Nên chọn nghề chứ đừng chỉ chọn trường
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, kỳ thi vừa qua có điểm “trái khoáy” đó là cho học sinh chọn trường rồi mới chọn ngành. Ví dụ tôi thích Tâm lý học thì chỉ có ĐH Tổng hợp có, trường ĐH KHXH&NV có, ĐH Công Đoàn có… Đáng lẽ tôi không vào được đúng trường tôi yêu thích để học Tâm lý học, thì tôi có thể vào trường kia, nhưng đằng này tôi lại chọn khoa khác. Thế thì là chọn trường chứ không phải chọn ngành, cái này là trái với hướng nghiệp.
Học sinh cần chọn nghề mà học sinh có năng lực, có tương lai chứ không phải chỉ chọn lấy bằng ĐH. Đi học là phải tính đến thăng tiến. Kể cả làm công nhân cũng vậy, cũng phải phấn đấu lên bậc lương cao hơn… Đã gọi chọn nghề phải làm sao trong quá trình làm nghề người ta đạt được mức cao nhất về nghề ấy. Khi bắt đầu vào có thể thấp nhưng dần dần sẽ cao lên.
Theo GS Dong, đúng ra trong kỳ thi vừa qua mỗi em chỉ nên đăng ký 1 ngành của một trường theo nghề mình yêu thích. Nếu đỗ được thì tốt. Thực ra mà nói, mỗi trường cũng nên có thêm một ban giới thiệu cho thí sinh. Các em trượt ngành này của trường này thì nên học trường nào, cũng thuộc ngành đó. Còn cứ để các em nộp “lung tung” thì không thể nói là hướng nghiệp được.
Nói về hậu quả của việc không học đúng ngành, GS Dong chia sẻ: Trước hết các em học sinh sẽ chán. Tôi thích học Văn lại bảo tôi làm Sử làm thế nào được? Thực sự tôi không thích. Một khi mà không thích thì khó mà làm được. Ngay khi ta mua cái áo mà không ưng ý, hay người khác mua tặng mà không ưng thì có lẽ ta cũng cất vào vali hoặc treo lên tủ… Vào cái ngành học mình không thích, hàng ngày phải động đến chắc chắn sẽ rất chán.
Nhìn nghề hot để học là điều đúng đắn?
Trong đợt xét tuyển vừa qua nhiều em đã lựa chọn những ngành mà hiện nay đang hot. Trong số đó cũng có những thí sinh yêu thích những ngành nghề hot thực sự, và cũng có những thí sinh chạy đua theo phong trào. Dù ở lí do nào các em cũng đang muốn hướng tới một công việc ổn định, một công việc có mức thu nhập cao. Theo nhiều nhà tuyển dụng thì ở thời điểm hiện tại đó là điều đúng đắn, tuy nhiên trong tương lai sẽ khó theo đuổi để học tập suốt đời.
Bà Mai Thúy Hằng – Trưởng phòng Phát triển nhân sự nguồn Navigos Seach, đã từng có thời gian giảng dạy ở bậc Đại học chia sẻ: Tôi nghĩ chuyện nhìn nghề nào hot để mình học là một đều đúng đắn bước đầu vì đảm bảo chúng ta có cơ hội việc làm sau này.
Tuy nhiên cũng có rủi ro ở chỗ: Nếu ngành nghề đấy chúng ta đặt ở góc độ vĩ mô vậy thì 4 năm nữa, nền kinh tế sẽ thiếu ở rất nhiều ngành và sẽ thừa chính những ngành hot đó. Ở góc độ vi mô, ở góc độ cá nhân con người tôi cũng thấy nó chứa đựng những rủi ro bởi vì chưa chắc đấy là sở trường của bạn và bạn sẽ mất một khoảng thời gian quý giá với nhiệt huyết của các bạn để học một cái nghề mà các bạn không dùng đến. Hãy dũng cảm lắng nghe xem thực sự thiên hướng của mình là gì và mình yêu thích ngành nghề gì nếu mình phát hiện được nó cho dù nó chưa hot, không hot hay nguội thì chúng ta hãy cứ mạnh dạn mà học.
Bởi vì tôi tin với những người có đam mê thì kĩ năng nó sẽ tự đến và người ta sẽ có động lực để người ta học cả đời. Không phải học 4 năm là các bạn sẽ có một cái nghề đâu, mà sau này khi đã đi làm rồi các bạn phải tiếp tục học. Nếu không đúng sở trường, không đúng đam mê thì chúng ta không có động lực để học cả đời và không thể nào trở thành những chuyên gia hàng đầu được.
Kết thúc đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung lần 2
Hôm qua (21/9) cũng là ngày cuối cùng của đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung lần 2. Suốt trong đợt bổ sung lần 2, có khoảng trên 50 trường ĐH, CĐ đã phải gồng mình lên tìm kiếm thí sinh. Tận dụng mọi phương cách để thu hút thí sinh đăng ký vào trường.Nhiều lãnh đạo nhà trường cho rằng đã hết nguồn tuyển và cảm thấy lo lắng thực sự. PGS.TS Phạm Ngọc Ánh, ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội cho biết đã phải hàng ngày tư vấn giải đáp thắc mắc cho thí sinh. Khi các em đến nộp hồ sơ cũng đều ghi lại số điện thoại, địa chỉ để tư vấn cho các em cân nhắc, lựa chọn ngành học của trường… Đến nay vẫn còn khá nhiều trường chưa đủ chỉ tiêu, và sẽ phải tiếp tục tuyển sinh trong đợt bổ sung lần tới. Trước ngày 24/9, các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt bổ sung lần 2.