Những bé gái bỗng dưng trở thành trai
Theo mọi mặt, xét cả về quy luật tự nhiên và sinh học, thì Johnny từ lúc sinh ra đã là một cậu bé. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, cậu không hề có bộ phận sinh dục nam cho đến khi dậy thì và được mọi người trong gia đình đối xử như một bé gái.
Trường hợp đầu tiên của “Guevedoces” được phát hiện từ những năm 1970. (Nguồn: BBC).
Bỗng dưng biến thành con trai
Johnny chỉ là một trong số rất nhiều đứa trẻ sống ở Salinas, một ngôi làng biệt lập nằm ở khu vực Tây bắc nước Cộng hòa Dominic. Ngôi làng kỳ lạ này là nơi rất nhiều đứa trẻ được sinh là con gái và bất ngờ trở thành những người đàn ông khi đến độ tuổi thiếu niên.
Câu chuyện về Johnny nghe có vẻ kỳ dị, nhưng những trường hợp mà bé gái bỗng dưng biến thành bé trai không còn gì lạ đối với người dân làng Salinas. Những đứa trẻ như vậy thường được gọi tên là “Guevedoces” – có nghĩa là “phát triển bộ phận sinh dục nam ở tuổi 12”.
Johnny, giờ đã 24 tuổi, từng được cha mẹ cậu đặt cho một cái tên đầy nữ tính là Felecitia, đồng thời cũng được nuôi dạy như một bé gái.
“Tôi vẫn nhớ cái thời còn mặc một chiếc váy màu đỏ” – Johnny kể lại trong chương trình truyền hình “Countdown to Life” – “Do tôi được sinh ra ngay tại nhà chứ không phải trong bệnh viện, nên cha mẹ không xác nhận được giới tính của tôi”.
Johnny cũng kể lại rằng, vào thời điểm bắt đầu đến trường, cậu thường phải mặc váy dù cho không hề thích chúng. Khi cha mẹ mua cho cậu đồ chơi dành cho bé gái, Johnny thậm chí còn chả thèm đụng vào chúng. Mọi thứ mà cậu muốn là chơi đùa cùng những bé trai trong làng.
Chứng rối loạn gen hiếm gặp
Theo phân tích của giới khoa học, hiện tượng này xảy ra là do rối loạn gen, gây nên bởi một loại enzyme bị thiếu ngăn chặn sản sinh ra một dạng hormone đặc biệt của nam giới – Dihydro-testosterone – ngay trong thời kỳ thai. Mọi đứa trẻ trong thời kỳ thai nghén, dù là nam hay nữ, đều có một tuyến sinh dục. Trong khoảng tuần thứ 8 của thai kỳ, trẻ sơ sinh nam vốn mang nhiễm sắc thể Y bắt đầu sản sinh ra loại hormone dihydro-testosterone với số lượng lớn, để phát triển bộ phận sinh dục nam. Còn đối với ở nữ, thì theo một quá trình biến đổi khác.
Tuy nhiên, một số trẻ nam lại bị thiếu loại enzyme 5-alpha-reductase có khả năng kích thích hormone sinh dục nam, nên khi sinh ra không có bộ phận sinh dục nam và thường bị nhầm là một bé gái. Phải đến thời kỳ dậy thì, khi một lượng lớn testorsterone được sản sinh, thì bộ phận sinh dục của những bé trai này mới phát triển được. Như vậy, điều đáng lẽ phải xảy ra trước đó 12 năm trước thì giờ mới xảy ra, điều đó khiến giọng nói của các cậu bé đặc biệt này trở nên trầm hơn.
Còn đối với Johnny, quá trình này xảy ra vào lúc cậu 7 tuổi. Johnny cho biết cậu chưa bao giờ cảm thấy mình là một bé gái và tỏ ra hết sức vui mừng khi trở thành một chàng trai hoàn hảo về mặt sinh học. “Khi tôi thay đổi, tôi đã rất vui mừng, cảm thấy như đang trong một cuộc sống mới khác hẳn trước đây”, Johnny nói.
Có một trường hợp khác tương tự là một bé gái tên Carla, hiện cũng đang trong giai đoạn biến đổi này, cô bé mới 9 tuổi. Dù được nuôi dạy như một bé gái, nhưng mẹ của Carla cho biết lúc lên 5 tuổi, cô bé này luôn thể hiện sự tinh nghịch và chơi những trò chơi của con trai. Cuối cùng, cô bé Carla đã trở thành một cậu bé theo đúng nghĩa, từ bỏ việc mặc váy và chơi búp bê.
Có nhiều bé trai sau khi biến đổi hoàn toàn đã quyết định giữ nguyên tên thời còn là…con gái của mình, bởi vậy mà ở ngôi làng Salinas, nhiều người đàn ông vẫn mang cái tên rất nữ tính như Catherine.
Được biết, trong số 90 trẻ em ở làng Salinas thì có 1 trường hợp là “Guevedoces”. Và dù cuối cùng cũng trở thành đàn ông theo đúng nghĩa, nhưng chứng rối loạn gen này vẫn khiến họ phải chịu một số ảnh hưởng, ví dụ như mọc ít lông tóc hơn, tuyến tiền liệt nhỏ hơn…
Nhiều trường hợp khác
Trường hợp “Guevedoces” lần đầu tiên được phát hiện bởi một chuyên gia nội tiết thuộc trường ĐH Cornell, Tiến sỹ Julianne Imperato trong những năm 1970, người đã tới Cộng hòa Dominic để tìm hiểu câu chuyện lạ lùng này sau khi nghe một số lời đồn thổi lạ lùng về những cô bé biến thành con trai.
Kể từ đó, một số trường hợp tương tự cũng được phát hiện ở một số ngôi làng ở Papua New Guinea. Nhưng không giống như ở Dominic, nơi sự biến đổi này được coi như một việc đáng ăn mừng, những cậu bé kỳ lạ ở Papua New Guinea lại bị coi là những người đàn ông “không hoàn hảo” và bị phân biệt đối xử.
Các “Guevedoces” đôi lúc còn có tên khác là “Machihembras”, tức “đầu tiên là phụ nữ, sau đó là đàn ông”. Khi mới sinh ra, trông họ giống như con gái, và chỉ đến khi bắt đầu thời kỳ dậy thì thì các đặc tính của đàn ông mới xuất hiện. Khi Tiến sỹ Imperato đến tận nơi để nghiên cứu, bà mới phát hiện ra nguyên nhân gây nên hiện tượng này là bởi thiếu enzyme 5-alpha-reductase, loại enzyme biến đổi testosterone thành dihydro-testosterone.
Sau này, nghiên cứu của bà Imperato được chuyển tới tay tập đoàn dược phẩm Merck, và các nhà nghiên cứu tại đây đã chế ra một loại thuốc có tên Finasteride, có khả năng ngăn chặn hoạt động của enzyme 5-alpha-reductase để giúp đỡ những trường hợp bé trai bị khuyết thiếu khi mới sinh ra. Loại thuốc này hiện nay cũng được sử dụng rộng rãi để trị các chứng bệnh hói hay phình tuyến tiền liệt ở nam giới.