“Ván bài tất tay” của Thủ tướng Hy Lạp
Tổng thống Hy Lạp sẽ chính thức yêu cầu ông Alexis Tsipras thành lập một Chính phủ mới sau khi Đảng thủ lĩnh cánh tả Syriza giành chiến thắng đầy thuyết phục trong cuộc bầu cử sớm được tổ chức trong hôm Chủ nhật vừa qua.
Ông Tsipras cam kết sẽ giảm thiểu ảnh hưởng từ quá trình cải cách khắc khổ.
Kết quả này cũng là một chiến thắng với cá nhân ông Tsipras, người đã trở lại với cương vị Thủ tướng Hy Lạp sau cuộc bầu cử được xem như “ván bài tất tay” trong sự nghiệp chính trị của ông. Trước đó, sau khi thay đổi 180 độ quan điểm để rồi chấp nhận các biện pháp khắc khổ mà chủ nợ đưa ra, ông Tsipras đã từ chức và yêu cầu bầu cử sớm để tự thử thách sự tín nhiệm của người dân đối với ông.
Sau chiến dịch kéo dài nhiều tuần qua, Đảng Syriza đã giành được 35,5% số phiếu bầu (so với 28,1% của Đảng Dân chủ Mới đối lập), giành được 145 ghế trong tổng số 300 ghế ở Quốc hội Hy Lạp.
Trong bài phát biểu ở quảng trường trung tâm thủ đô Athens, cảm ơn những người ủng hộ ông Tsipras đã cam kết sẽ mang lại sự ổn định cho đất nước đã từng trải qua 5 cuộc bầu cử chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, nói rằng sự ủng hộ này đã trao cho ông “sự ủy thác rõ ràng” và rằng ông sẽ còn dẫn dắt đất nước đến hết nhiệm kỳ 4 năm.
“Hôm nay ở châu Âu, nói đến đất nước và người dân Hy Lạp là nói đến sự bền bỉ và phẩm hạnh. Chúng ta sẽ cùng cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt” – ông Tsipras nói, đồng thời đề cập đến nhiều khó khăn còn chờ phía trước khi cuộc khủng hoảng nợ công ở nước này vẫn chưa đến hồi kết.
Ông Tsipras cho biết ông sẽ thành lập một liên minh mới với Đảng Người Hy Lạp độc lập để giành được 151 ghế mà ông cần trong Quốc hội. Chính phủ mới có thể được thành lập trong ngày hôm nay (22-9). Tuy nhiên, chương trình làm việc của Chính phủ mới sẽ gặp trở ngại bởi các yêu sách từ chủ nợ mà họ đã cam kết để có được khoản cứu trợ trị giá 86 tỷ Euro. Việc xem xét thực hiện các cải cách – gồm cải cách thuế, an sinh xã hội và lương hưu – sẽ được công bố trong tháng tới.
Nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ mới – sau khi vừa nhận được khoản hỗ trợ 3 tỷ Euro – là xem xét lại ngân sách năm 2015 dành cho cải cách thuế và lương hưu. Họ cũng cần phải đi đến kết luận cuối cùng trong tiến trình tái cấu trúc vốn cho các ngân hàng Hy Lạp mà hạn chót là tháng 12 tới, một động thái cần thiết để gỡ bỏ tình trạng kiểm soát vốn như hiện nay.
Cách đây chỉ 1 tháng, ông Tspras đã buộc phải từ chức và kêu gọi bầu cử sau khi buộc phải từ bỏ quan điểm của mình để chấp nhận các điều kiện khắc khổ của gói cứu trợ. Tỷ lệ cử tri phản đối ông lúc đó lên tới 62%. Khi phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ và khả năng phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu – điều mà không người dân Hy Lạp nào mong muốn – trong tình trạng kiểm soát vốn và tỏng khi nền kinh tế đã suy giảm đến 25% kể từ năm 2010, ông Tsipras nói rằng ông không còn lựa chọn nào khác. Nhiều thành viên trong Đảng Syriza thậm chí còn coi đây là hành động “phản bội” của ông Tsipras.
Nhưng sau “ván bài tất tay” vừa qua, đại đa số cử tri đã quyết định cho ông Tsipras một cơ hội thứ hai.
“Ông ấy đã cố gắng, ít nhất là thực sự cố gắng để làm mọi việc tốt hơn cho người dân – và ông ấy vẫn sẽ tiếp tục cố gắng” – Ioanna Efstathious, một cử tri ủng hộ ông Tsipras, cho hay.
Giới phân tích nhận định rằng, hiện nay tất cả các đảng phái chính trị lớn của Hy Lạp đều đã bắt đầu thừa nhận sự cần thiết của gói cứu trợ, nên Hy Lạp hoàn toàn có cơ hội để bình ổn tình hình chính trị và bắt đầu quá trình hồi phục kinh tế.
“Sau nhiều năm khủng hoảng không thể dự báo trước, đại đa số người dân Hy Lạp giờ đang ủng hộ các đảng phái giữ đất nước trong khối đồng tiền chung, dù cho nó có nghĩa rằng họ sẽ phải trải qua các cuộc cải cách đầy khắc khổ” – Holger Schmieding, nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Berenberg của Đức, nhận định.