Quảng Ninh: Ngày 2/10, khai mạc Lễ hội đền An Sinh
Trong 3 ngày từ ngày 2/10 đến 4/10/2015 tới (tức ngày 20/8 đến 22/8 âm lịch) trong Khu di tích tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều sẽ diễn ra Lễ hội truyền thống đền An Sinh năm 2015.
Đại biểu dâng hương tại Lễ hội đền An Sinh năm 2014
Sau phần khai lễ sẽ diễn ra các hoạt động truyền thống của hội với đa dạng các hoạt động VHVN, TDTT và các trò chơi dân gian của nhân dân địa phương.
Đền An Sinh (xưa kia còn gọi là Điện An Sinh) toạ lạc trên một đồi đất thoai thoải giữa vùng địa linh ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, TX Đông Triều. Phía sau Đền là lăng miếu các vị vua nhà Trần.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “Tháng 6, năm 1381, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”. Đây chính là sự kiện đánh dấu cho việc xây dựng một số công trình thờ tự tại An Sinh, trong đó có Điện An Sinh. Theo nội dung văn bia tại đền An Sinh do ông Hoàng Giáp, (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) sưu tầm và dịch thì Ngũ vị hoàng đế triều Trần được thờ tại Điện An Sinh gồm có: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế, Khâm minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế. Trong đó, đáng chú ý là có một nhân vật dù chưa nắm giữ ngôi vị lần nào nhưng được tôn làm hoàng đế, đó là Trần Liễu (An Sinh vương), anh trai của vị vua đầu tiên của triều Trần là Trần Thái Tông, với hiệu Khâm minh thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế. Vùng đất An Sinh xưa chính là ấp thang mộc đầu tiên tại vùng đất Đông Triều mà vua Trần Thái Tông đã ban cho Trần Liễu.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao bằng công nhận
Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều tháng 9/2014
Theo văn bia và lệnh chỉ tại đền An Sinh thì tên Điện An Sinh được nhắc đến sớm nhất trong bia ký là năm Chính Hoà 11 (1690), bia có tên Trần triều bi ký, bia này được khắc lại vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) nội dung ghi lại ngự vị các vua Trần an táng tại An Sinh; bia Trùng tu tự bi ký năm thứ 7 (1711) có nhắc đến việc phân công người của chúa Trịnh để trông nom Điện An Sinh. Như vậy, có thể thấy Điện An Sinh, nơi thờ ngũ vị hoàng đế nhà Trần, tồn tại ít nhất đến thời Lê và sau đó được xây dựng lại để thờ Bát vị hoàng đế triều Trần ở thời Nguyễn.
Theo Trần triều Thánh tổ các xứ địa đồ, năm Bảo Đại thứ 17 (1944) thì quy chế Điện An Sinh được chia làm “ba toà với ba cấp nền khác nhau. Toà trong cùng nền dài 3 trượng (9,9m); rộng 2 trượng 2 (7,2m); toà giữa nền dài 2 trượng (6,6m) và toà ngoài cùng có nền dài 3 trượng 5 (11,55m); rộng 2 trượng (6,6m); xung quanh điện có hai lớp tường đất bao, hai lớp tường cách nhau 2 trượng (6,6m); tường đất phía ngoài giáp lăng Tư Phúc ở phía đông bắc có chiều dài 15 trượng (49,5m).
Vào thời Nguyễn, Điện được xây dựng lại với kiến trúc gồm ba toà nhà rộng 5 gian theo kiểu chữ “Tam”. Lúc này trong Đền thờ không chỉ 5 vị mà là 8 vị hoàng đế triều Trần. Hai bên có các dãy nhà khách và dãy nhà cho người coi đền ở. Ngoài ra, bên cạnh Đền có hai miếu nhỏ, một thờ Bà Hoàng và một thờ Đức Thánh Khổng Tử. Chung quanh có thành bao bọc rộng. Phía trước cửa có bia nhỏ đề “Hạ mã” (nghĩa là xuống ngựa) và “Tiêu diệc” (sắp lễ).
Trải qua thời gian, đền An Sinh chỉ còn lại phế tích. Giai đoạn năm 1997-2000, đền An Sinh được huyện Đông Triều lúc đó khởi công xây dựng lại trên mặt bằng của nền cũ. Đền mới có kiến trúc hình chữ “công”, ngoài ra còn có các công trình: Cổng chính điện, tả - hữu vu, nhà bia công đức, sân vườn và một số công trình phụ trợ khác. Phía trong toà chính điện, hậu cung là nơi đặt tượng thờ tám vị vua Trần, gồm: Thái Tông, Thánh Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông và Giản Định; toà trung cung đặt tượng thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; tiền đường đặt bát hương công đồng và một số đồ tế khí....
Lễ hội Đền An Sinh vào ngày 20-8 âm lịch, cũng là ngày giỗ của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân cùng phật tử trong cả nước về dâng hương tưởng niệm các vị vua Trần tại đền và Thái miếu (đền Thái) cùng các lăng mộ của vua Trần.