Trường 'treo' đến bao giờ?

Tuấn Anh 23/09/2015 12:30

Năm 2010, tỉnh Đắk Lắk có Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Trường Phổ thông trung học Lê Lợi nằm trên xã Ea Ning, huyện Cư Kuin để phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Thế nhưng đã 5 năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy, con em họ không có trường học, đất đai bỏ hoang gây lãng phí. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng phía cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có hồi âm.

Trường 'treo' đến bao giờ?

Khu đất xây trường học thành bãi chăn thả gia súc.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Trường THPT Lê Lợi được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt theo Quyết định số 3065/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2010, tổng kinh phí 52,2 tỷ đồng do UBND huyện Cư Kuin làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 4,7 héc ta tại xã Ea Ning, gồm các hạng mục như: 15 phòng học, nhà hiệu bộ, nhà thực hành, thí nghiệm, phòng học vi tính, nhà thi đấu đa năng, nhà ở công vụ cho giáo viên; trang thiết bị dạy và học cùng các công trình phụ trợ khác… Dự kiến sau khi hoàn thành, ngôi trường này sẽ phục vụ nhu cầu học tập của hơn 1.000 học sinh các xã vùng sâu của huyện, góp phần nâng cao trình độ dân trí ở địa phương.

Bác Nguyễn Đức Tiến, trú thôn 8 (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) bức xúc: “Ai cũng biết, đây là khu trung tâm của huyện, nếu xây dựng ngôi trường cấp 3 này thì thì học sinh của 7 xã khu vực lân cận như: Ea Ninh, Cư Ea Vy, Ea Hu, Ea Ktur, Ea Bhốk, xã Hòa Thành (huyện Krông Bông), xã Ea Knêck (huyện Krông Pắk) sẽ được hưởng lợi rất lớn. Các cháu đi học xa nhất chỉ khoảng 4km. Thế mà dự án duyệt xong, chẳng thấy họ làm gì hết, để cỏ mọc um tùm cho bò ăn. Còn muốn đến trường cấp 3 các cháu ở đây phải đi xa 13 thậm chí gần 20 cây số mới có trường để học. Trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều cháu hiếu học nhưng do đường xa, nhà nghèo không đủ điều kiện nên phải ở nhà. Chỉ mong các cấp, các ngành xem xét triển khai dự án cho con em các đồng bào các dân tộc nơi đây có được cái trường để học tập”.

Ông Nguyễn Quang Trung, người dân thôn 8 cho biết: “Khi nghe có chủ trương xây trường, nhiều nhà đã chặt vườn cây để giao đất, hiện nhiều gia đình không có đất sản xuất phải sang tận Đắk Nông làm thuê. Nếu đất này không bị thu để đến nay trồng tiêu thì nhiều gia đình thu được tiền tỷ. Theo nguyện vọng của người dân chúng tôi nếu Nhà nước không làm trường thì xem xét trả lại đất lại cho người dân để họ sản xuất, chứ cứ để hoang thế này thì quá lãng phí”.

Hiện 4,7 ha diện tích đất thu hồi xây trường học đã được đầu tư đường giao thông xung quanh, hệ thống điện đầy đủ thế nhưng do dự án chưa được triển khai nên trở thành bãi chăn thả gia súc của người dân, một số diện tích người dân thuê trồng cây nông sản ngắn ngày.

Ông Hoàng Thế Vượng, Bí thư chi bộ Thôn 8, xã Ea Ning cho biết: “Dân cư khu vực này tương đối đông, con em đi học nhiều vì vậy chúng tôi mong muốn ngôi trường này xây dựng càng sớm càng tốt. Chứ dự án cứ “treo” thế này chỉ tội khổ người dân và các cháu học sinh. Bởi nhiều hộ dân sau khi bị thu hồi đất thì cuộc sống rất khó khăn. Họ phải đi chỗ khác để làm ăn”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn Lễ - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Cư Kuin cho biết: “Sở dĩ dự án xây dựng Trường THPT Lê Lợi, đến nay vẫn chưa được triển khai là do thời gian qua ngân sách tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, cùng với đó khi dự án được phê duyệt thì gặp Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ năm 2011, cắt giảm đầu tư công. Hiện nay, UBND huyện đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dự án. Nếu tỉnh bố trí được vốn, UBND huyện sẽ tổ chức triển khai thi công ngay để công trình được đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất”.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk sớm xem xét lại dự án, nếu nhu cầu mong muốn của địa phương và người dân là chính đáng thì cần bố trí vốn đầu tư xây dựng công trình. Nếu không xây dựng thì cần giải quyết dứt điểm, không để dự án “treo” năm nay qua năm khác gây lãng phí đất của dân.

Tuấn Anh