Các nhà khoa học khẳng định tác hại của amiang
Tại Hội thảo Sự tham gia của các tổ chức xã hội đóng góp cho kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiang do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) và Mạng lưới Vận động cấm sử dụng amiang tại Việt Nam (Vn-BAN) tổ chức ngày 22-9, một lần nữa, vấn đề tiếp tục sản xuất và sử dụng amiang nữa hay không lại được đặt ra. Và, tại cuộc hội thảo này, lần đầu tiên Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật lên tiếng phản đối việc sử dụng
Quang cảnh hội thảo
Không còn được phép bỏ phiếu trống về amiang
Từ cách đây hơn 20 năm qua đến nay, vấn đề amiang đã được đặt ra trong xã hội rất sôi động. Động thái mới nhất của Chính phủ Việt Nam là tại công văn số 7307, ngày 19-9-2014, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương báo cáo phương án không phản đối việc đưa amiang vào Phụ lục III Công ước Rottecdam và yêu cầu Bộ Xây dựng xây dựng lộ trình ngừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp trong năm 2020. Với động thái này, có thể hiểu Chính phủ không cho phép chúng ta bỏ phiếu trống tại các hội nghị quốc tế về amiang từ nay về sau nữa, theo PGS.TS Nguyễn An Lương - Chủ tịch Hội KHKT An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam. “Với sự ra đời công văn này, có thể hiểu nội dung quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong đó “amiang vẫn được tiếp tục sử dụng” tại Quyết định số 1469/2014 ngày 22-8-104 của Thủ tướng Chính phủ đã được cân nhắc lại” - khẳng định của ông Lương. Từ đó đến nay, cùng với sự ra đời của Vn-BAN vào ngày 27-11-2014, hàng loạt các hoạt động của tổ chức này trong sự phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đã được tiến hành nhằm thu thập bằng chứng cũng như kiến nghị với Chính phủ chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng amiang trong đời sống xã hội.
Kẻ giết người thầm lặng
Tại cuộc hội thảo này, một lần nữa đại diện Cục Quản lý Môi trường y tế lại gióng lên một hồi chuông báo động, rằng amiang là kẻ giết người thầm lặng. Tổ chức Y tế thế giới WHO từng cảnh báo: Chi phí dành cho bệnh ung thư do amiang vượt quá giá trị kinh tế do vật liệu này đem lại. Và không có bằng chứng nào cho thấy có một ngưỡng cho phép sử dụng vật liệu này mà chỉ có thể nói không với nó mà thôi. Amiang là chất gây ung thư nghề nghiệp hàng đầu khi chính loại hình vật liệu này là đang là thủ phạm gây đến một nửa số ca tử vong vì bệnh ung thư nghề nghiệp hằng năm. Tại đây, Bộ Y tế đưa ra 6 giải pháp loại trừ các bệnh liên quan đến amiang, giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh trọng tâm là công tác truyền thông và vận động xã hội.
Không lạc quan tếu
Hiện luồng ý níu kéo amiang trong xã hội không phải đã hết, thậm chí còn có nguy cơ tăng lên vì lợi ích nhóm, theo PGS.TS Nguyễn An Lương. “Chính vì vậy, nói rằng từ nay đến năm 2020 Chính phủ sẽ cấm sử dụng hoàn toàn amiang thôi, cần gì phải hội thảo, vận động chi chi nữa là xu hướng lạc quan tếu” - ông Lương nhấn mạnh. TS. Trần Tuấn, trưởng Ban thường trực hành động Liên minh vận động chính sách y tế cho rằng chúng ta là một trong những thành viên của WHO và đã chấp nhận rất nhiều những khuyến cáo của tổ chức này nhưng riêng đối với amiang, dường như chúng ta đang đi ngược lại với WHO.
Tín hiệu đáng mừng từ VUSTA
Trong những năm qua, VUSTA đã lên tiếng thông qua nhiều cuộc hội thảo cho rằng amiang là chất gây hại cho con người và khẳng định hiện nay có nhiều công nghệ cũng như vật liệu hoàn toàn có thể thay thế cho amiang trong đời sống xã hội. Trong thời gian này, không thể dùng lại ở mức độ lên tiếng cảnh báo tác hại của amiang mà phải thực sự quan tâm đến việc giải quyết hậu quả mà nó đem lại cho con người chúng ta, ông Trần Xuân Việt, đại diện VUSTA nhấn mạnh. Nếu ai có điều kiện theo dõi vấn đề này sẽ thấy, với phát biểu của ông Việt như vậy, trong chưa đầy 1 năm qua, VUSTA đã có những thay đổi cơ bản về quan điểm đối với amiang - đây là một trong những tín hiệu đáng mừng cho tất cả chúng ta - TS Trần Tuấn bày tỏ. Tại cuộc hội thảo này, TS Trần Tuấn “than”: Trải qua 6 cuộc hội thảo được tổ chức về amiang chúng tôi rút ra một kết luận: Nếu cứ để cho Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ về về vấn đề này thì sẽ không thể hy vọng loại trừ amiang trong thời gian tới như kế hoạch mà phải trông chờ vào hoạt động điều tra của các tổ chức dân sự cũng như các mạng xã hội. Theo đó, phải nêu được những thân phận, số phận con người hết sức thương tâm do amiang đem lại.
Cần có thêm bằng chứng từ thực tế Việt Nam
Tác hại do amiang đem lại không chỉ lấy chuẩn mực kết luận và khuyến cáo từ WHO và Bộ Y tế mà còn cần thiết phải được làm rõ xuất phát từ thực tế tại Việt Nam. Tiếp thu ý kiến đóng góp của phóng viên báo Đại Đoàn Kết tại cuộc hội thảo, TS Trần Tuấn cho rằng sắp tới sẽ cung cấp cho báo chí những bằng chứng hậu quả do amiang đem lại đối với Việt Nam, tuy nhiên, ông bày tỏ: “Chúng ta phải hành động ngay chứ không nên cứ phải trông chờ vào những bằng chứng nào khác khi tác hại của amiang đã được khẳng định trên thế giới và Bộ Y tế như vậy”. PGS.TS Nguyễn An Lương đề nghị Bộ Y tế xem xét, tiếp thu ý kiến của báo Đại Đoàn Kết sớm tổ chức nghiên cứu, đánh giá hậu quả thực tế tại Việt Nam do amiang đem lại. Ông Hoàng Xuân Lương, đại diện Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ cũng thể hiện mong muốn tới đây VUSTA và Bộ Y tế nên có những cuộc khảo sát, đối chứng so sánh giữa các vùng có sử dụng và không sử dụng amiang xem sức khoẻ người dân ở những nơ đó ra sao để từ đó có thêm những bằng chứng xác đáng loại trừ amiang.
Vấn đề amiang lẽ ra được giải quyết từ năm 2001, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại thời điểm đó, với chức danh Phó Thủ tướng, đã ký quyết định số 115/2001 ngày 1-8-2001 mà theo đó, từ năm 2004 không được sử dụng amiang trong sản xuất tấm lợp. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, lộ trình này đã bị chính những người hưởng lợi từ việc sản xuất, kinh doanh tấm lợp amiang cản trở, vận động bất chấp sự lên tiếng của các nhà khoa học, các bác sĩ cảnh báo, khiến Chính phủ phải cân nhắc đi, cân nhắc lại. TS Trần Tuấn cho rằng: Đây là điều không thể chấp nhận được nữa.