Buổi sáng ngày hăm ba tháng chín 1945, từ Sài Gòn tôi ra đi...
LTS: 23/9/1945, ngày Nam Bộ kháng chiến đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam, tô đậm truyền thống kiên cường, bất khuất của một dân tộc thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Nam Bộ kháng chiến, ĐĐK trích đăng lại bài “Buổi sáng ngày hăm ba tháng chín 1945, từ Sài Gòn tôi ra đi” của ông Ung Ngọc Kỳ- nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, in trong cuốn “Mùa thu rồi ngày hăm ba” do NXB Chính trị quố
Nam Bộ những ngày toàn quốc kháng chiến 70 năm trước.
...Tôi giựt mình tỉnh giấc giữa những tiếng chộn rộn hoảng hốt trong chung cư Dumortier về tin đêm qua quân Pháp tấn công ta.
Đó là vào khoảng tờ mờ sáng ngày 23/9/1945 ở Sài Gòn.
Tôi đứng phắt dậy, suy nghĩ bàng hoàng: “Đã xảy ra thật rồi sao?” Rồi tôi vội vã lên xe, đạp thật nhanh về hướng trụ sở Ủy ban Nam Bộ ở 86 đường d’Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn) đầu óc hết sức căng thẳng. Đến gần Bồn binh (nay là công trường Quách Thị Trang) một anh bạn công chức chặn lại, nhìn tôi đầy lo lắng:
- Anh còn ra đây sao? Trở lại mau đi. Tây nó đầy đường đằng kia. Tụi nó chiếm Ủy ban rồi.
Tôi đứng sựng. Tim như thắt lại. Trời! Sự việc đã xảy ra thật rồi!
Từ quân Anh với danh nghĩa “ Đồng Minh” đến để tước khí giới quân Nhật thì chúng liên tiếp phá rối ta, đồng thời chúng khẩn trương giúp bọn Pháp đánh chiếm lại Nam Bộ. Mới cách đây vài hôm, vào gần cuối giờ buổi chiều, một buổi chiều mưa tháng Chín ảm đạm, Đại tá Gracey tư lịnh quân Anh, không một lời báo trước, xồng xộc bước lên cầu thang trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ, tiến thẳng đến bàn làm việc của ông Chủ tịch Phạm Văn Bạch trong lúc ông đang trao đổi công việc với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Hắn ngạo mạn, rút mạnh từ túi áo một tờ giấy, rồi nghênh ngang đọc to oang oang. Từ bàn làm việc của anh Huỳnh Văn Tiểng, tôi thấy nét mặt ông Phạm Văn Bạch càng lúc càng căng thẳng, bất bình; trong lúc nét mặt bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, vốn luôn luôn tươi cười, cũng dần dần nghiêng, sắc lại, khẽ nhíu mày. Sau khi Gracey lầm lì, ầm ầm xấc xược bước xuống cầu thang, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ung dung đến chỗ chúng tôi. Trở lại với nét mặt tươi cười và tự tin cố hữu của mình, anh vừa cười vừa nói:
- Nó đòi tước võ khí mình!
Chúng tôi nhìn nhau, nhìn anh, chưa kịp hỏi gì, anh vẫn tươi cười nói bình thản:
- Phải đánh thôi!
…Bây giờ nó đánh mình trước rồi!
Không kịp suy nghĩ gì nữa, sau khi cảm ơn anh bạn tốt bụng, tôi phóng xe về đường d’Espagne, về trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ thân yêu.
Một cảnh tượng đau xé lòng!
Không còn một lá cờ đỏ sao vàng nào nữa, những lá cờ tươi thắm mới chiều hôm qua đây còn phất phới hiên ngang bên cạnh những lá cờ của “ Đồng minh”. Thay vào đó giờ đây là rất nhiều lá cờ tam sắc của Pháp. Tất cả cờ đỏ sao vàng đều bị vứt xuống quảng trường trước Ủy ban Nhân dân Nam Bộ, nơi đó đang đông nghịt bọn Pháp với không ít “Tây đen”, “Tây vàng”. Chúng dẫm đạp tàn nhẫn những lá cơ thiêng liêng thấm đẫm máu của lớp lớp liệt sĩ, anh hùng. Chúng hân hoan hò reo, vẫy gọi nhau giữa bọn đang chiếm lĩnh các bao lơn tua tủa súng ống của bọn đang chen chúc ở quảng trường. Đám phụ nữ Pháp đưa tay lên môi hôn gởi bọn trên bao lơn; bọn này vừa đưa tay lên mũ bê rê chào vừa hôn gửi lại, rồi chúng phá lên cười hô hố, vô cùng vênh váo, đắc thắng.
Đau nhói! Căm thù!
Tôi đưa mắt nhìn quanh, mong tìm gặp giữa rừng người thù địch này những bè bạn, đồng chí. Kìa, anh Lê Quang Định đang nhìn lại, khẽ lắc đầu, đôi mắt đau đớn.
Cảm thấy mình mạo hiểm dại dột, tôi lách nhanh thoát ra. Như một quán tính, tôi đạp xe như bay về hướng 14 Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) trụ sở của Thanh niên Tiền phong Nam Bộ.
Anh Hai Râu đây rồi! Lòng tôi khấp khởi nhẹ nhõm, cảm thấy ấm áp vô cùng. Chúng tôi gật đầu chào nhau, vừa đưa tay trái lên tim chào theo kiểu Thanh niên Tiền phong, một cái chào vừa thắm thiết vừa quyết liệt chưa từng có bao giờ. Một cái chào lặng lẽ mà trong ánh mắt cả hai cúng nói với nhau nhiều điều. Anh đang đi lại giữa mấy bao cát chiến lũy, sửa chữa thế đứng, cách nằm từng anh em chiến sĩ đang lăm lăm chĩa súng ra đường, gương mặt ai nấy vô cùng kiên quyết. Không còn là một Hai Râu vui tính, hay bông đùa mà tôi có cảm tình ngay trong buổi đầu gặp gỡ tại cuộc lễ tuyên thệ long trọng của Thanh niên Tiền Phong tại sân vườn Ông Thượng mà là một Huỳnh Đình Hai nghiêm nghị, với đôi mắt đăm chiêu, với đôi chân đi lại chắc nịch giữa một đội ngũ chiến sĩ toát lên một tinh thần quyết chiến, vì trụ sở 14 Charner chỉ cách trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ đang đông nghịt bọn Pháp không đầy một cây số, và chỉ cách bọn Pháp đã chiếm lĩnh Kho bạc bên kia đường vài mươi mét. Hình ảnh Hai Râu - Huỳnh Đình Hai hiên ngang cùng các chiến sĩ kiên cường của anh, bên những bao cát chiến lũy tại 14 Charner trong buổi sáng mùa Thu năm ấy, mãi mãi in vào tâm trí tôi như một nét đẹp hùng tráng của Sài Gòn bất khuất.
Tôi tiếp tục phóng xe qua Sở Đoan (Hải Quan), Ngân hàng, Quốc gia tự vệ cuộc (Công an), Bưu điện…đều bị giặc Pháp chiếm hết rồi. Một xe lớn chở nhiều lính Pháp đang đổ quân tăng cường chỗ Bưu điện. Đến ngã tư Mayer và Mac-Mahon (nay là đường Võ Thị Sáu và Nam Kỳ Khởi Nghĩa) tôi sựng lại, rất ngạc nhiên thấy bác sĩ Huỳnh Bá Nhung ngồi ăn hủ tiếu một cách bình tĩnh lạ thường. Ánh mắt tôi: “Ta ăn cho vững bụng rồi tính…”. Tôi cảm ơn anh rồi phóng xe nhanh trở về nhà. Bọn Pháp chưa kịp triển khai đến khu vực này.
Tại nhà chung cư Dumortier, năm anh em trong Liên đoàn Thanh niên Tiền phong Lê Lai đang chờ sẵn. Vừa thấy tôi, anh em hỏi dồn:
-Tính sao đây anh?
-Ta đi thôi.
-Đi đâu anh.
-Tìm theo Ủy ban, hình như đang ở Phú Lâm hay Bình Điền.
Vợ tôi khóc nức lên. Tôi rối bời… Vợ tôi mang thai đứa con đầu lòng được sáu tháng, đi lại đã nặng nề, cảnh nhà đang túng thiếu, giữa cơn binh lửa loạn lạc này, một thân một mình từ đây vào bến tàu Chợ Lớn để về quê, làm sao lường hết được mọi gian khổ, hiểm nguy. Tôi có sai lầm là giấu mọi hoạt động của tôi, cũng như không hé môi về những diễn biến tình hình ngày càng nghiêm trọng gần đây để tránh cho vợ tôi mọi xúc động mạnh. Do đó, tình hình xảy ra quá nghiêm trọng đột ngột sáng hôm nay quả là một cái “ sốc” lớn.
Tôi không đủ can đảm đến an ủi và chia tay trong lúc vợ tôi đang vất vả cố nén bật khóc.
Anh Trần Văn Ba thông cảm tình cảnh bối rối của tôi, chủ động thay tôi đến an ủi:
-Chị ráng bình tĩnh… Đừng lo buồn nhiều. Chúng tôi đi vài hôm rồi trở lại lấy Sài Gòn…
Tôi cùng anh em rà lại cách sử dụng súng lục ru-lô (Saint - Etienne), võ khí duy nhất của đoàn, rồi hối hả ra đường Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo), lau lách né tránh quân Nhật vẫn hầm hừ canh gác theo lệnh quân Anh, tiến nhanh về hướng Phú Lâm - Bình Điền, không ai mang theo thứ gì vì lòng tin chắc rằng chỉ một vài hôm sẽ trở về lấy lại Sài Gòn.