Lãnh đạo Trung, Mỹ bàn gì khi gặp gỡ?
Trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân đến Seatle trong ngày đầu tiên trong chuyến công du Mỹ của mình, giới chuyên gia phân tích đã đưa ra hàng loạt vấn đề có thể trở thành tâm điểm trên bàn nghị sự khi Chủ tịch Trung Quốc có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Hàng loạt vấn đề bất đồng chưa được giải quyết sẽ là thách thức
với hai lãnh đạo Mỹ-Trung trong cuộc gặp ngày 25/9. (Nguồn: Huffpost).
Ngày 22/9 là ngày đầu tiên trong lịch trình chuyến thăm Mỹ chính thức cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trạm dừng chân đầu tiên của ông Tập Cận Bình là Seatle, sau đó ông sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm 25/9. Cuộc gặp thu hút được đông đảo sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm cách tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc giữa hai bên.
An ninh mạng đã trở thành một điểm nhấn trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ngoài việc cam kết tăng cường vào phòng thủ an ninh mạng công cộng, ông Obama cũng liên tiếp nhấn mạnh về những tổn thất mà các tập đoàn và công ty Mỹ phải gánh chịu do các cuộc tấn công mạng đã xảy ra thời gian qua.
Trở lại năm 2012, Tướng Keith Alexander, Tư lệnh Bộ chỉ huy An ninh mạng của Mỹ, từng nói rằng các vụ tấn công mạng nhằm thu lợi ích về kinh tế đã tạo nên một dòng luân chuyển tiền lớn chưa từng có trong lịch sử. Cuộc tranh luận ở Mỹ về cách thức đáp trả các cuộc tấn công mạng từ phía Trung Quốc thực chất đã bắt đầu từ năm 2011, trong đó Washington nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh tuân thủ các quy định hạn chế về hoạt động mạng. Tuy nhiên mọi nỗ lực ngoại giao đều không thành công.
Ông Obama sau đó đã từng nêu thẳng thắn vấn đề này với ông Tập trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6-2013, nhưng thất bại do lúc đó ngay bản thân Mỹ cũng đang chịu nhiều chỉ trích vì chương trình do thám mà họ thực hiện đối với nhiều lãnh đạo thế giới. Đến năm 2014, Trung Quốc đã rút khỏi bàn đàm phán an ninh mạng Mỹ-Trung sau khi Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 5 quan chức quân đội Trung Quốc đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng.
Đến nay đã là 3 năm ròng bất đồng Mỹ-Trung về an ninh mạng, và trong chuyến công du lần này của ông Tập, cả hai bên đang tiếp tục cố gắng đi đến một điểm nhất quán, một thỏa thuận về vấn đề này.
Ngoài bất đồng về an ninh mạng, kinh tế cũng là vấn đề được quan tâm nhiều trong mối quan hệ Mỹ-Trung, trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc ngày một trầm trọng. Các số liệu ước tính, mỗi ngày khối lượng thâm hụt lên tới 1 tỷ USD ngay cả khi đồng Nhân dân tệ tăng giá gần 30% so với đồng USD.
Xuất khẩu Trung Quốc luôn ở thế cạnh tranh để lấy thị phần từ quốc gia khác. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng tại Mỹ cho thấy Mỹ mua hàng từ Trung Quốc nhiều hơn lượng bán ra. Những lập luận này đều nghiêng về phía cho rằng tỷ giá hối đoái chỉ đóng góp một vai trò giới hạn trong mô hình thương mại. Trái lại, một số nhà chính trị gia Mỹ đã cáo buộc hành động thao túng tiền tệ của Trung Quốc là thủ phạm chính cho thâm hụt thương mại của Mỹ.
Bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua đã khiến giới phân tích Mỹ phải thừa nhận rằng quan hệ thương mại không còn một lựa chọn nhằm hạ nhiệt quan hệ này. Trong khi, giới phân tích ở Trung Quốc cho rằng đây là thời điểm “bước ngoặt” trong mối quan hệ hai nước.
Theo giới phân tích, sức mạnh của Trung Quốc – và quan trọng hơn là sự tự tin của họ vào sức mạnh đó – đã lớn mạnh đến mức mà chính sách truyền thống trong quan hệ Mỹ-Trung đã không còn khả năng phát huy tác dụng. Sự tụt dốc trong quan hệ hai nước có thể diễn ra bất ngờ, nhưng thực tế cho thấy rõ những bất đồng chưa được giải quyết chính là nguyên nhân gây nên tình trạng này.