Để ca Huế trường tồn
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dịp này, một hội thảo khoa học về định hướng và bảo tồn ca Huế cũng đã được Sở VHTT&DL Huế tổ chức.
Biểu diễn ca Huế thính phòng tại Nhà văn hóa Huế.
Hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển trên mảnh đất Thuận Hóa-Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế hiện nay), với sự phát triển và sức lan tỏa của Ca Huế qua nhiều thời kỳ lịch sử đã trở thành kho tàng quý báu của cả dân tộc, ngày nay Ca Huế đang ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, không chỉ trên sông Hương, mà còn được trình diễn ngay cả trong các thính phòng.
Nhằm trả lại “vẻ đẹp thanh tao” vốn có của Ca Huế, Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra những ý kiến đóng góp thẳng thắn để chấn chỉnh hoạt động ca Huế đang diễn ra“ trôi nổi” như hiện nay: Không gian biểu diễn Ca Huế hiện nay trên những chiếc thuyền mạo danh thuyền rồng với những bộ trang phục truyền thống nửa vời, lòe loẹt, thiếu sự tinh tế trong dáng Huế, cần phải điều chỉnh, nâng cao xóa bỏ những hình thức thô tạp. Riêng nhạc công Ca Huế phải giữ thanh âm, thanh điệu nhưng hiện nay các nhạc công Ca Huế lại đang có xu hướng đẩy nhanh tiết tấu Ca Huế điều này hoàn toàn xa lạ, phá đi nét đặc trưng tinh tế của Ca Huế.
Cấu trúc âm nhạc trong Ca Huế đòi hỏi tính chuyên nghiệp, đòi hỏi khổ luyện tài hoa, trong lúc đó hiện nay nhạc công chỉ học qua loa hoặc đánh nhuần nguyễn một vài bản rồi đi xin giấp phép để xuống đò biểu diễn, chính điều này đã mất đi cái thần thái của Ca Huế. Ca Huế hiện còn sử dụng 23 bài cổ bản giàu chất thơ, lời ca trữ tình, đậm tính văn học và đủ sức xây dựng cho một chương trình riêng về Ca Huế. Thế nhưng du khách xuống thuyền lại được nghe một thể loại ca Huế pha tạp với một vài làn điệu Lý Huế, Chầu Văn hoặc ngâm thơ về Huế…
Với sự trĩu nặng cùng ca Huế, dịch giả, nhà nghiên cứu Bửu Ý đã nói rất rõ: “Ca Huế không cần tuyên truyền, cổ động. Ca Huế không cần phát triển, Ca Huế chỉ cần bảo tồn”. Đề cập chế độ đãi ngộ của nghệ nhân Ca Huế trong tham luận “Ca Huế một giá trị nghệ thuật độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam” Nhạc sĩ Trần Đình Sáng (nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế) đã nói rõ: Khi các giá trị truyền thống đã được Nhà nước công nhận thì các giá trị đó là báu vật quốc gia, các nghệ sĩ, nghệ nhân đầu ngành về bộ môn Ca Huế cũng là báu vật nhân văn sống. Vì vậy họ cũng cần có những đãi ngộ xứng đáng.
Đa phần họ là những nghệ nhân, những nghệ sĩ không có lương nhưng ngày đêm vẫn gìn giữ, bảo tồn các tinh hoa của nghệ thuật do đó ít nhất phải cho họ một thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp một khoản kinh phí nhất đinh vào hàng tháng. Đồng thời nhà nước có thể đặt hàng họ dạy lại các giá trị nghệ thuật cho lớp trẻ có sự quản lý về chuyên môn của các cơ quan chức năng.
Giáo sư, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhận định, từ Nhã nhạc, và cả ca Huế theo chân các vị quan nhạc, vốn âm nhạc chuyên nghiệp Huế đã thâm nhập cộng đồng dân cư Việt để toả sáng. Ca Huế vì thế có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của nền âm nhạc cổ truyền của người Việt và xứng đáng được tôn vinh.
Liên quan đến tính định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của Ca Huế, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Bộ VHTT&DL cho biết, Ca Huế đang hướng đến xây dựng bộ hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào một trong các danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ di sản văn hóa của Ca Huế.