Cần coi lao động cưỡng bức là tội hình sự
Cưỡng bức lao động là một tội danh nghiêm trọng. Các công ước quốc tế, nhiều quốc gia yêu cầu phải bị xử phạt bằng hình thức nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên hiện ở Việt Nam vẫn chưa đưa tội danh này vào Bộ luật Hình sự.
Theo ước tính của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có 21 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức trên toàn thế giới, trong đó có ít nhất 50% ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (khoảng 11,7 triệu người). Cứ trong 1.000 người thì có 3 người lao động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bị cưỡng bức lao động.
Ở Việt Nam, theo các chuyên gia, lao động cưỡng bức (LĐCB) tuy không phổ biến như ở một số quốc gia trên thế giới, nhưng lại có xu hướng gia tăng và một số vụ việc xảy ra với hậu quả nghiêm trọng. Thực tế mặc dù hành vi LĐCB đã được nghiêm cấm trong các quy định pháp luật. Đơn cử như tại Bộ Luật Lao động quy định “cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái với ý muốn của họ” là hành vi bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên dù chưa có một điều tra tổng thể về LĐCB ở Việt Nam, nhưng từ một số các vụ việc liên quan được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy, do chưa nhận diện đầy đủ về LĐCB, nên trong quan hệ lao động, các vụ việc về LĐCB rất ít khi được phát hiện, mà chủ yếu là những vụ việc nghiêm trọng trong hình sự và được xét xử dưới góc độ tội danh bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) thừa nhận cưỡng bức lao động là một tội danh nghiêm trọng, nhiều quốc gia yêu cầu phải bị xử phạt bằng hình thức nghiêm khắc nhất. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi Luật Lao động và Luật Hình sự, Việt Nam đang xem xét đưa tội danh này vào Luật Hình sự sửa đổi.
“Bộ LĐTB&XH đang đề xuất đưa tội danh cưỡng bức lao động vào Luật Hình sự và cần phải quy định chi tiết về tội danh này. Theo đó, có hai dấu hiệu cấu thành quan trọng của cưỡng bức lao động là phải có sự đe dọa, trừng phạt và buộc làm việc trái với ý muốn tự nguyện. Luật hiện nay còn thiếu dấu hiệu trái ý muốn tự nguyện và cần hoàn thiện” – ông Bình nói.
Trước đề xuất này của Bộ LĐTB&XH, bà Marja Paavilainen, chuyên gia về lao động cưỡng bức ILO cho rằng, cùng với sự phát triển kinh tế và hội nhập đã phát sinh nhiều vấn đề về quan hệ lao động, trong đó có vấn đề LĐCB. Do đó, coi LĐCB là tội phạm hình sự là bước đi đúng đắn, tạo ra nền tảng để thực thi pháp luật.