Gỡ vướng vốn vay, hỗ trợ ngư dân bám biển
Sau khi ngư dân than khó vay vốn, khó tiếp cận vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) để đóng tàu mới vươn khơi, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ có những thay đổi thích ứng.
Nghị định 67 tạo điều kiện để ngư dân đóng tàu công suất lớn. Ảnh: Thanh Huyền.
Chùn chân vì vốn đối ứng
Ngày 23/9, chiếc tàu đầu tiên tại TP.Đà Nẵng được đóng theo Nghị định chính thức được hạ thủy với tổng số vốn được đầu tư hơn 10 tỷ. Con tàu vỏ gỗ mang số hiệu ĐNa 90719 TS do ông Lê Văn Nhắn, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng làm chủ, có chiều dài hơn 23m, rộng 6,3m và cao 3,3m, tổng công suất 829 CV.
Nhiều địa phương khác như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam… nguồn vốn tín dụng theo nghị định này đã và đang được khơi thông giúp ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá để vươn khơi, nhưng khi so với thực tế lượng vốn người nông dân cần quá ít.
Theo nghị định, của Chính phủ, ngư dân muốn vay vốn ưu đãi để đóng tàu phải bỏ ra 30% vốn đối ứng (với tàu gỗ) hoặc 5% (với tàu vỏ thép). Đây là quy định cần thiết nhằm sàng lọc những chủ tàu có năng lực, đồng thời làm tăng trách nhiệm của chủ tàu với đồng vốn. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những trở ngại chính của ngư dân trong tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67.
Ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank tỉnh Quảng Trị cho hay, khi triển khai cho vay đóng tàu theo chương trình này, toàn tỉnh có 29 hộ đăng ký tham gia. Song khi ngân hàng xuống từng hộ để hướng dẫn, thì chỉ còn lại vài hộ đăng ký.
Tương tự, tại Thừa Thiên- Huế, khi Nghị định 67 mới được triển khai, ngư dân ở nhiều xã ồ ạt đăng ký vay vốn đóng tàu (có 64 hộ đăng ký). Tuy nhiên, khi ngân hàng xuống làm việc cụ thể thì cũng chỉ có 3 hộ đăng ký vay vốn và các hộ này đã được Agribank phê duyệt cho vay.
Trở lại với con tàu với tổng số vốn được đầu tư hơn 10 tỷ vừa hạ thủy tại Đà Nẵng, cơ cấu vốn bao gồm 70% ( tương ứng 7 tỷ) từ ngân hàng và 30 % tương ứng 3 tỷ đồng) từ cá nhân đi vay bỏ ra. Rất nhiều ngư dân muốn vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, song số hộ đủ điều kiện không nhiều, vì để có được 30% vốn đối ứng là điều không dễ. Chưa kể Nghị định 67 yêu cầu khắt khe về mẫu tàu, máy tàu…
Lãnh đạo nhiều địa phương khác cũng thừa nhận, ngư dân rất hồ hởi khi nghe nói về việc vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, vì nghĩ được Chính phủ tài trợ cho vay đóng tàu giống giai đoạn trước đây. Song khi nghe ngân hàng hướng dẫn, biết đây là vốn vay thương mại và đòi hỏi phải có vốn đối ứng thì họ đã chùn chân.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Agribank tỉnh Thừa Thiên- Huế nói: “Khi triển khai Nghị định 67, chúng tôi xuống tận nơi để khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của ngư dân và cũng khuyến cáo bà con rằng, đây là vốn vay, phải trả nợ, chứ không phải như vốn vay đánh bắt xa bờ cách đây gần 20 năm và Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi. Khi hiểu ra, nhiều ngư dân đã rút khỏi danh sách đăng ký”.
Hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên
Báo cáo mới nhất của NHNN cho biết đến 14-9-2015, có 27/28 tỉnh/thành phố phê duyệt danh sách người vay vốn với 980 khách hàng được phê duyệt vay đóng mới, nâng cấp tại các địa phương (trong đó số khách hàng được phê duyệt đóng mới là 866 khách hàng, chiếm 38% trên tổng số 2.284 tàu được phân bổ). Trong đó, số khách hàng được các NHTM thẩm định, phê duyệt cho vay là 178 khách hàng (đạt 20% số khách hàng đã được phê duyệt vay vốn).
Bên cạnh thực trạng ngư dân chủ động rút đăng ký vay vốn đóng tàu thì cái vướng của nghị định có đến từ ngân hàng? Ông Lê Đào Nguyên – Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, trong quá trình triển khai, BIDV nhận thấy một trong những nút thắt lớn nhất trong triển khai tại các NHTM là việc bà con ngư dân thiếu hụt hoặc không chứng minh được phần vốn đối ứng phải tham gia theo phương án vay đóng mới tàu. BIDV đã ban hành “Gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình bổ sung vốn đối ứng để đóng tàu theo Nghị định 67”.
Theo “hiến kế” của BIDV, cơ quan quản lý cần có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh/thành phố chưa phê duyệt hoặc đã phê duyệt nhưng số tàu phê duyệt thấp hơn 20% số lượng tàu được phân bổ cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách người vay vốn để các chủ tàu/ngư dân sớm tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh/thành phố nhanh chóng công bố các mẫu thiết kế tàu vỏ gỗ và vật liệu mới để ngư dân lựa chọn.
Ông Nguyễn Tiến Đông – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, triển khai các chương trình cho vay liên kết nhằm tạo sự đột phá trong đầu tư tín dụng. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Quảng Nam: Cho vay gần 118 tỉ đồng theo NĐ 67
Ngày 23/9, tin từ Sở NN&PTNT Quảng Nam, tính đến nay các ngân hàng đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 16 tàu cá với tổng giá trị cam kết đầu tư cho vay là 177,73 tỷ đồng và đang tiếp tục xử lý 13 hồ sơ khác.
Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định số 67 của tỉnh (BCĐ 67) đã rà soát và tham mưu UBND tỉnh thực hiện 5 đợt phê duyệt với tổng số tàu là 94 chiếc, trong đó đóng mới 87 tàu (48 tàu vỏ thép, 39 tàu vỏ gỗ), trong số này có 80 tàu khai thác và 7 tàu dịch vụ hậu cần. Cùng với đó nâng cấp tàu 7 tàu. BCĐ 67 cũng đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam công bố 7 cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá đủ điều kiện theo quy định trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến với ngư dân.
Tấn Thành