UB MTTQ tỉnh Quảng Nam: Lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng
Sáng ngày 24-9, Ban thường trực UB MTTQ tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, tham dự hội nghị có gần 200 đại biểu, chủ trì là ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Quảng Nam.
Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thảo luận, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần này. “Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng XII hôm nay chính là trách nhiệm của MTTQVN trong công tác xây dựng Đảng được Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQVN năm 2015 quy định. Việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân là nhằm động viên, tập hợp trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước góp phần làm cho các văn kiện thực sự trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; để Đảng ta có đường lối lãnh đạo đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó các ý kiến đóng góp cần đi vào trọng tâm, cụ thể. Các đại biểu cần phát huy cao độ vai trò, tinh thần trách nhiệm của mình, tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được MTTQVN tỉnh tổng hợp, báo cáo về về Trung ương”- ông Ca khẳng định.
Ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Các dự thảo văn kiện được đưa ra lấy ý kiến người dân gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Theo đó, các đại biểu đóng góp ý kiến đã tập trung vào các nội dung: đánh giá tổng quát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; 30 năm đổi mới và 5 bài học lớn; Dự báo tình hình thế giới và đất nước; Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016-2020); Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và các giải pháp thực hiện; Định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Phương hướng, nhiệm vụ đổi mới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về giáo dục, đào tạo; Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; Quan điểm về quản lý phát triển xã hội; Các chính sách bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Các đại biểu phát biểu nêu ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng
Các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội Đảng nhiệt huyết, sôi nổi. Đa số các ý kiến đều tán thành với nội dung trong dự thảo và cho rằng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng được xây dựng công phu, chặt chẽ, kết cấu, bố cục rõ ràng, có sức thuyết phục, tính khoa học, tính chiến đấu cao. Các ý kiến đã chú trọng, tập trung vào các giải pháp chủ yếu là làm thế nào để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và tạo động lực, nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế,…
Các đại biểu cũng đã mạnh dạn góp ý, đề xuất một số giải pháp thực hiện các mục tiêu chỉ tiêu cụ thể như: Về giáo dục cần chú trọng đào tạo gắn với sử dụng hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng thanh niên học xong không có việc làm. Về vấn đề môi trường như xả lũ, hoặc những con sông đang chết vì khô hạn do thượng nguồn chặn dòng làm thủy điện, nước không đủ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, chất thải độc hại ra môi trường, chất thải độc hại trong thức ăn,… cần giải quyết cụ thể cho từng vấn đề. Về xây dựng nông thôn mới cần có nhiều giải pháp hiệu quả, như đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Cần chú trọng đến vấn đề công nghiệp chế biến trong nông nghiệp; Cũng cố xây dựng HTX như thế nào để phát triển bền vững; vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn cần chú trọng vai trò kinh tế tập thể. Cần nhận định rõ ngành công nghiệp nào mũi nhọn để là đầu tàu phát triển,… cũng như đề nghị sửa đổi một số câu, từ cho phù hợp.
Bế mạc hội nghị, ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh đã trân trọng bày tỏ sự cảm ơn các đại biểu đã tham dự hội nghị đã nghiên cứu các văn kiện và có những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng các cấp.