Cây đại thụ của làng Knia
Gần 14 năm qua, với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu buôn làng, già Y Hơ Êban ở buôn Knia 4 (xã Ea Ba, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mà còn là một trong những già làng tiêu biểu của Tây Nguyên. Ông đã có nhiều đóng góp vào giữ gìn an ninh trật tự, giữ bình yên cho buôn làng.
Già làng Y Hơ ôn lại kỷ niệm chuyến thăm huyện đảo Trường Sa tháng 9-2013
Buôn Knia 4, xã Ea Bar với 191 hộ, 790 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người dân tộc Êđê, đã từng là điểm nóng về an ninh chính trị, khi mà một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số bị bọn phản động Furol lưu vong kích động, lừa gạt tham gia vào các vụ gây mất an ninh trật tự, vượt biên trái phép sang Campuchia đầu năm 2001.
Cũng chính thời điểm ấy, già Y Hơ Êban được buôn làng tín nhiệm bầu làm già làng. Không phụ lại sự tín nhiệm ấy, 14 năm qua già đã không quản ngại khó khăn, vất vả, hăng hái đi đầu trên mọi lĩnh vực, tích cực vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp luật Nhà nước.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, già Y Hơ đi tới từng buôn trên địa bàn xã Ea Bar, gặp từng đối tượng nhẹ dạ cả tin vi phạm pháp luật để tuyên truyền, vận động. Già khuyên răn bà con “không làm điều xấu, không để bọn phản động lừa gạt mà ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình cũng như gây mất an ninh trật tự buôn làng, vi phạm pháp luật”.
Nhiều người được già Y Hơ thuyết phục, cảm hóa đã nhận ra được lầm lỗi và trở về buôn làng yên tâm lao động sản xuất. Trong số hàng chục đối tượng được già Y Hơ cảm hóa, giáo dục có vợ chồng Y Prơi - H’linh, đã từng bị kẻ xấu lôi kéo vượt biên trái phép, sau đó nhận ra lầm lỗi được buôn làng đón về, nay đã yên tâm làm ăn, có cuộc sống kinh tế khá giả.
Già Y Hơ chia sẻ: “Một trong những kinh nghiệm để thực hiện có kết quả công tác vận động quần chúng, đó chính là phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phải luôn gần dân, hiểu dân mới biết họ cần gì để kịp thời giúp đỡ”. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, già Y Hơ thường đưa ra những bằng chứng thuyết phục về sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, như vấn đề ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường trường, trạm, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt để bà con ổn định đời sống, cùng nhiều chính sách ưu đãi đặc thù khác như bảo hiểm y tế, hộ trợ gạo ngày giáp hạt…
Già làng Y Hơ diễn tấu nhạc cụ truyền thống
Không chỉ đi đầu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, già Y Hơ còn là một trong những tấm gương sản xuất tiêu biểu của buôn, mỗi khi được tập huấn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi già đều tận tụy truyền đạt lại cho bà con, để cùng tiến bộ.
Những năm qua, bản thân gia đình Y Hơ không chỉ canh tác có hiệu quả 1 ha cà phê, 3 sào lúa, chăn nuôi đàn bò, nuôi thả cá, mà còn thường xuyên giúp đỡ những hộ nghèo trong buôn về vốn, giống, kỹ thuật. Đến đầu năm 2015 này, trong tổng số 180 hộ của buôn Knia 4, chỉ còn 27 hộ nghèo, giảm nhiều so với thời điểm năm 2001.
Đặc biệt, già làng Y Hơ còn là một trong những nghệ nhân tiêu biểu của buôn làng. Già luôn gương mẫu trong bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng người Ê Đê. Già Y Hơ không chỉ diễn tấu thành thạo, mà còn tự chế tác hàng chục nhạc cụ truyền thống.
Già Y Hơ thuộc hàng chục bài dân ca, bài chiêng cổ. Với vốn văn hóa truyền thống quý báu ấy, già luôn tích cực trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy, buôn Knia 4 đã thành lập được 2 đội chiêng, trong đó có đội chiêng trẻ; nhiều thanh niên trong buôn được già truyền đạt kỹ năng diễn tấu, kỹ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống. Bên cạnh đó, gia đình già làng Y Hơ là một trong 4 hộ của buôn hiện còn giữ được kỹ thuật ủ rượu cần truyền thống, để mỗi khi buôn làng có lễ hội, bà con có cơ hội quây quần bên ché rượu, cùng hòa nhịp chiêng và lời hát Ay ray. Tháng 9-2013, già làng Y Hơ được chọn là một trong số già làng tiêu biểu của Tây Nguyên ra thăm huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Sau chuyến thăm đảo, già làng Y Hơ nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, hiểu đời sống còn nhiều khó khăn của quân và dân trên các đảo nổi, đảo chìm. Kể từ thời điểm thăm huyện đảo Trường Sa trở về, trong nội dung vận động quần chúng của già làng Y Hơ đã có thêm phần về chủ quyền biển đảo.
Có thể nói, trong sự ổn định và phát triển của Tây Nguyên đã và đang có những đóng góp tích cực của những người có uy tín như già làng Y Hơ Ê Ban.