Những “gã khổng lồ” tuyệt chủng
Tổ tiên của nhiều loài động vật nhỏ bé ngày này đã từng là một trong những loài động vật to lớn, thống trị một thời trong các giai đoạn lịch sử nhất định. Trong khi cũng có nhiều loài khác có kích thước khổng lồ, song chúng ta không có cơ hội được nhìn thấy tận mắt bởi chúng đã tuyệt chủng.
1. Aegirocassis benmoulae
Bạn đã từng tưởng “con đẻ” của cá voi và tôm hùm trông sẽ như thế nào không? Nếu điều này có thể xảy ra, hẳn nó sẽ trông giống như loài Aegirocassis benmoulae.
Aegirocassis benmoulae trông như “sự kết hợp” giữa cá voi và tôm hùm
Dài tới 2m, sống cách ngày nay khoảng 480 triệu năm vào đầu kỷ Ordovic, Aegirocassis benmoulae thuộc về “họ” một loài động vật chân khớp được gọi là anomalocaridids. Hóa thạch Aegirocassis benmoulae được phát hiện ở thành hệ Fezouata, Morocco và nó được đặt tên theo tên nhà sưu tầm hóa thạch Mohamed Ben Moula.
Tuy có kích thước khổng lồ, nhưng Aegirocassis benmoulae rất hiền lành và chỉ ăn động vật phù du. Trong khi hầu hết các loài cùng họ có miệng tròn và hàm sắc nhọn thì loài động vật chân khớp này chỉ lọc nước để kiếm thức ăn phù du. Đây là loài ăn lọc cổ nhất được biết đến tới nay. Đương thời, nó cũng là loài sinh vật lớn thứ hai thế giới
2. Jaekelopterus Rhenaniae
Năm 2007, các nhà khoa học Anh tại Đại học Bristol đã phát hiện một chiếc càng bò cạp hóa thạch dài đến 46cm ở một mỏ đá gần Prum (Đức). Chiếc càng này thuộc về loài bò cạp biển “Jaekelopterus Rhenaniae” sống ở Đức cách nay khoảng 390 triệu năm trước, trước cả thời khủng long. Dựa vào tỷ lệ giữa càng và kích thước cơ thể của loài Jaekelopterus Rhenaniae, các nhà khoa học ước tính rằng, con bò cạp biển này dài đến 2,5m và là loài chân đốt lớn nhất được phát hiện đến nay.
Jaekelopterus Rhenaniae là loài chân đốt lớn nhất được phát hiện đến nay
Phát hiện này chứng minh rằng, loài chân đốt trong quá khứ rất to lớn. Một số nhà khoa học cho rằng loài chân đốt thời tiền sử lớn như thế do nồng độ oxy trong không khí thời đó cao hơn (35% so với 21% ngày nay), hoặc do chúng phải phát triển một cuộc “chạy đua vũ khí” với những con mồi là cá có giáp cứng, động vật xương sống, các loài chân đốt khác và cả bò cạp biển nhỏ hơn. Khi động vật có xương sống tiến hóa theo hướng to hơn thì cách duy nhất để bò cạp biển đối phó là nhỏ lại và chạy trốn. Đó là lý do tất cả bò cạp thời nay đều nhỏ.
3. Arthropleura
Arthropleura là tổ tiên của loài rết và động vật nhiều chân. Mỗi chân của chúng có chiều dài 76 cm, cơ thể dài tới 2,6m và khối lượng của những con to có thể lên tới nửa tấn. Đây là loài động vật không xương sống lớn nhất trên Trái đất đến nay.
Arthropleura là loài động vật không xương sống lớn nhất trên Trái đất
Arthropleura sống trong ở đầu kỉ Permi khoảng 300 triệu năm trước đây. Cho tới nay, chưa có một hoá thạch nào của Arthropleura được tìm thấy hoàn chỉnh. Một phần cơ thể hoá thạch dài 90 cm được các nhà khoa học phát hiện ở phía tây nam nước Đức, nhiều phần khác nhỏ hơn được tìm thấy ở Scotland, Mỹ và Canada.
Dựa vào những hoá thạch trên, các nhà khoa học nhận định Arthropleura đã được tạo thành từ khoảng 30 phân đốt. Hóa thạch dạ dày của nó chứa dương xỉ, cho thấy chúng thuộc loài động vật ăn cỏ.
4. Meganeura
Meganeura là một loài côn trùng tuyệt chủng từ kỷ Cacbon cách đây khoảng 300 triệu năm trước, nó rất giống và là tổ tiên của chuồn chuồn hiện đại. Với cơ thể dài gần 40 cm, sải cánh lên tới 65 cm, Meganeura xứng đáng với danh hiệu loài côn trùng lớn nhất trái đất.
Meganeura xứng đáng với danh hiệu loài côn trùng lớn nhất trái đất
Kích thước khổng lồ của loài côn trùng này khiến chúng khó khăn trong việc mang ôxy từ không khí vào cơ thể. Chúng không có phổi, thay vào đó là sử dụng một hệ thống ống khí của khí quản. Vì vậy, chúng đã tuyệt chủng khi bầu khí quyển của trái đất giảm mức oxy hàng triệu năm trước đây.
Ngoài ra, kích thước khổng lồ của những con chuồn chuồn thời tiền sử cũng khiến các nhà nghiên cứu cho rằng chúng có thể ăn những loài lớn như ếch và sóc để tồn tại. Thật may cho các loài này là Meganeura đã biến mất vĩnh viễn.
5. Sarcosuchus
Sarcosuchus là một họ hàng xa khổng lồ của cá sấu sống cách đây 112 triệu năm. Cá thể lớn được ước tính dài tới 12m và nặng 8 tấn. Như vậy, chúng dài gần gấp đôi và nặng gấp 4 cá sấu cửa sông hiện đại. Ngoài ra, chúng còn một cái mõm dài chiếm 75% chiều dài hộp sọ, có 35 răng ở mỗi bên hàm trên và 31 ở mỗi bên hàm dưới. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loài cá ở mội trường nước chúng sống. Tuy nhiên, lợi thế cơ thể cũng giúp chúng có thể “săn” những con khủng long nhỏ cũng như các loài khác nếu có cơ hội.
Sarcosuchus là một họ hàng xa của cá sấu hiện đại
Các hóa thạch đầu tiên của loài Sarcosuchus được phát hiện trong các cuộc nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học người Pháp lbert-Félix de Lapparent trong sa mạc Sahara. Các hóa thạch gồm một mãnh xương sọ, đốt sống, răng và xương bánh chè. Năm 1964, một hộp sọ gần như hoàn chỉnh được phát hiện tại Niger bởi Hội đồng năng lượng nguyên tử Pháp.