Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế
Trong những năm tới vấn đề chủ yếu không còn là “tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, ký kết… các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” như Dự thảo báo cáo chính trị nêu nữa mà vấn đề cơ bản sẽ là thực thi.
Xuất khẩu của Việt Nam những năm qua đã có những tín hiệu đáng mừng.
Một trong những nét nổi bật trong 5 năm tới của nước ta là “Thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước” như Dự thảo Báo cáo Chính trị nhấn mạnh. Đặc điểm này đặt ra rất nhiều vấn đề rộng lớn không chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa - xã hội, thậm chí cả chính trị, an ninh – quốc phòng đối với nước ta.
Tiếc rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị (BCCT) chỉ dành một đoạn ngắn nói về nhiệm vụ đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, còn Báo cáo Kinh tế - Xã hội (BC KT-XH) thậm chí không có đoạn nào đề cập riêng tới nội dung này.
Đương nhiên các văn kiện Đại hội không thể nêu những công việc quá cụ thể nhưng rất cần chỉ ra những định hướng lớn cho cả hệ thống chính trị và toàn dân làm theo với sự “phân vai” giữa hai văn kiện: BCCT nên nêu những định hướng lớn, còn BC KT-XH đề ra những nhiệm vụ cụ thể hơn. Với nhận thức như vậy xin gợi ý một số điểm, chủ yếu liên quan tới BCCT.
Một là, trong những năm tới vấn đề chủ yếu không còn là “tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, ký kết… các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” như Dự thảo BCCT nêu nữa mà vấn đề cơ bản sẽ là thực thi. Vì vậy các Dự thảo nên nhấn mạnh trọng tâm “tích cực, chủ động chuẩn bị và triển khai thực hiện những cam kết mới nhằm tranh thủ tối đa những thuận lợi, hóa giải những thách thức đối với nước ta”.
Hai là, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm qua và hiện nay, khi nước ta sắp bước vào hành trình hội nhập mới sâu rộng hơn cho thấy, trong dư luận xã hội còn không ít sự băn khoăn, khác biệt.
Do đó các Dự thảo nên nhấn mạnh ý nghĩa của chủ trương hội nhập là để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đồng thời đặt cao yêu cầu: “quán triệt trong nhận thức và hành động quan điểm: nguồn lực bên ngoài rất quan trọng song nguồn lực bên trong, trong đó có khả năng cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của nước ta luôn có ý nghĩa quyết định; kết hợp hài hòa nội lực với ngoại lực tạo thành tổng lực quốc gia nhằm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ phát triển và hiệu quả ngày càng cao”.
Ba là, nước ta bước vào thời kỳ hội nhập mới trong bối cảnh đẩy mạnh công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền tảng CNH. Vì vậy các Dự thảo nên nhấn mạnh yêu cầu gắn kết quá trình hội nhập với hai nhiệm vụ lớn nói trên.
Mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung là những thành tố của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, do đó các Dự thảo nên làm rõ mối quan hệ khăng khít giữa các mặt đó: hội nhập cần phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại; ngược lại hoạt động đối ngoại cần hỗ trợ thiết thực cho chủ trương hội nhập quốc tế.
Bốn là, trong quá trình hội nhập vẫn có tình trạng quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp chưa thật liên thông, còn trông chờ, trách cứ cho nhau; các hiệp hội ngành hàng chưa phát huy hết vai trò của mình, giữa các doanh nghiệp thiếu sự kết dính với nhau.
Do đó các Dự thảo nên nhấn mạnh nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước là kết hợp chặt chẽ, hài hòa quá trình đổi mới thể chế kinh tế trong nước với cam kết hội nhập quốc tế mới, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, chú trọng công tác dự báo, kịp thời cung cấp thông tin kèm theo sự hướng dẫn cho các doanh nghiệp; trong trường hợp cần thiết thì áp dụng những biện pháp luật pháp, thông lệ quốc tế cho phép để bảo vệ nền sản xuất và người tiêu dùng trong nước; ngăn ngừa, giảm thiểu những tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.
Các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động nắm bắt thông tin, xếp sắp công việc, tìm kiếm thị trường và đối tác, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh, liên kết với nhau chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, giành những thuận lợi tối đa do những hiệp định thương mại tự do mới đem lại.
Năm là, kinh nghiệm vừa qua cho thấy cần chủ động dự báo và thực thi những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa những tác động tiêu cực về xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, môi trường trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế mới. Với những cam kết mới cao hơn và rộng hơn, rất có thể sẽ nẩy sinh những tác động mới có phần phức tạp hơn nên các Dự thảo càng cần nhấn mạnh nhiệm vụ này.
Sáu là, có những bộ phận trong hệ thống chính trị ở cả Trung ương lẫn địa phương chưa có sự hiểu biết và mối quan tâm cần thiết đối với chủ trương và công việc liên quan tới hội nhập; coi đó là công việc của Trung ương Đảng và Nhà nước; chưa giúp nhiều cho các doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
Sáng ngày 24/9, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng. Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Xuân Ca- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thảo luận, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần này. Việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân là nhằm động viên, tập hợp trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước góp phần làm cho các văn kiện thực sự trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; để Đảng ta có đường lối lãnh đạo đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội; chất lượng nguồn nhân lực; bảo vệ tài nguyên, môi trường; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế,… Tấn Thành - Chí Đại |