Phạt nghiêm nhưng phải hạn chế tối đa tiêu cực
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe. Ảnh: T.L.
Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng chủ trì hội nghị.
Nâng mức xử phạt để răn đe
Theo Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (ATGT), Bộ GTVT Hoàng Thế Tùng, trong quá trình triển khai nghị định 171, một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập. Tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến, tái phạm và hết sức nghiêm trọng.
Số vụ tai nạn giao thông do người lái có sử dụng rượu bia gây ra trên toàn quốc trung bình mỗi năm chiếm 16 - 20% và tăng đều hằng năm, nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao đang diễn ra phổ biến...
Trước những bất cập nêu trên, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia, Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định 171.
Theo đó dự thảo Nghị định mới hướng tới ba mục tiêu chính là tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng; mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau; bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới an toàn giao thông nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt.
Một trong những điều chỉnh thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là việc tăng mạnh các mức xử phạt với các hành vi vi phạm. Theo dự thảo, sẽ tăng mức xử phạt về vi phạm nồng độ cồn; tốc độ; giao thông trên đường cao tốc. Với nồng độ cồn, sẽ có 3 mức đối với xe ô tô; 2 mức đối với xe máy.
Cụ thể, với người lái ô tô, dự thảo đề xuất phạt tiền 2-3 triệu đồng khi vi phạm dưới 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở; phạt từ 8 đến 12 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở (mức 2), bị tước giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng (mức cũ phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng); mức cao nhất là với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ phạt tiền 16-18 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước…
Người điểu khiển môtô, xe gắn máy cũng chịu mức phạt từ 4 đến 6 triệu đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, bị tước giấy phép lái xe 4-6 tháng. Cùng với đó, người đi xe máy đi vào đường cao tốc bị phạt 2-3 triệu tùy tốc độ, bị tước giấy phép lái xe có thời hạn (trước là 200-400.000, không bị tước giấy phép).
Việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ôtô sẽ bị phạt 600 – 800 ngàn đồng. Xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên bị xử phạt 800.000-1,2 triệu đồng. Dự thảo cũng đưa ra quy định mới buộc tất cả người ngồi trên ôtô phải thắt dây an toàn, xử phạt xe chạy trên hè phố...
Tăng nặng xử phạt
Tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng việc tăng nặng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 171 tới đây còn nhiều bất cập và không khả thi, nhất là các mức phạt quá cao. GS Nguyễn Lân Dũng – Phó chủ nhiệm HĐTV về Khoa học và Giáo dục nêu thực tế hiện nay bình quân cả nước có 30 người chết vì tai nạn giao thông nên việc có thêm các giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông là cần thiết.
Tuy nhiên theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vấn đề quan trọng nhất là công tác tuyên truyền để người dân hiểu rằng việc vi phạm giao thông là sai, sẽ bị phạt nặng.
“Ở Đà Nẵng ít chuyện xe máy đi trước mặt ô tô, Hà Nội thì ngược lại? Vậy cách nào để khắc phục? Phải phân, kẻ lại làn đường, cần có làn cho ô tô, xe máy riêng, cùng với đó tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân. Đừng nghĩ phạt tiền nhiều thì giải quyết được tai nạn giao thông. Lương của người lao động hiện nay rất thấp. Như ở cơ quan tôi, lương Tiến sĩ cũng chỉ 4-5 triệu đồng, trong khi nếu vi phạm nồng độ cồn phạt đến cả chục triệu. Thói quen uống bia rượu của người dân hiện nay chưa thay đổi. Nồng độ cồn mà Nghị định quy định rất thấp, chỉ cần uống một chai bia là bị phạt nặng. Liệu mức phạt này có khả thi không. Chúng ta có đủ lực lượng để xử phạt không”, GS Nguyễn Lân Dũng đặt vấn đề.
Các ý kiến khác cũng cho rằng, mức phạt dự kiến quá cao, sợ không khả thi, trong khi đó phạt tiền nhiều chưa chắc là giải pháp tối ưu để hạn chế vi phạm.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, phạt cao quá người dân không có tiền để nộp. Nhưng phải tính toán tùy từng đối tượng để phạt. Ví dụ với đối tượng đi xe đánh võng, lạng lách mà chỉ phạt 250.000 là quá nhẹ, vì nhiều trường hợp đánh võng, lạng lách đã gây tai nạn nguy hiểm cho người đi đường.
Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường khẳng định mức phạt phải mang tính răn đe, có tính ngăn chặn, để người bị phạt biết đó là hành vi cấm. Mức phạt nào thì Ban soạn thảo nên tính toán, tùy từng hành vi.
“Việc hàng trăm lái xe khách bị nghiện ma túy chẳng hạn, phát hiện phải phạt nặng cả lái xe, chủ xe, vì đã quá coi thường tính mạng người dân. Hay những xe quá tải, chở quá số người quy định cần phải có chế tài phạt thật nặng”, ông Thường đề xuất.
Tại hội nghị nhiều ý kiến lo ngại, với việc tăng mức phạt thì chỉ làm nặng thêm túi tiền của dân và thêm cơ hội “đút túi” cho những cảnh sát giao thông tiêu cực. Vì vậy, cần phải có giải pháp bảo đảm tiền phạt phải vào được ngân sách nhà nước, cùng với đó cần xét đến các vi phạm của các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý giao thông.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia việc mức phạt quá nặng tập trung vào những hành vi mang tính uy hiếp trực tiếp đến ATGT. Ví dụ sẽ phạt nặng hành vi việc chở quá tải, có những con đường hàng ngàn tỷ đồng nhưng chỉ vì xe quá tải mà 90% giá trị con đường bị hủy hoại. Xe quá tải không chỉ gây tai nạn giao thông mà còn hủy hoại kinh tế nghiêm trọng.
“Chúng tôi rất hiểu yêu cầu của xã hội là làm sao bảo đảm phạt nghiêm nhưng phải hạn chế tối đa tiêu cực, bảo đảm tiền xử phạt phải về được ngân sách nhà nước. Ngoài ra, lần này cũng sẽ phạt nặng những tổ chức, đơn vị thuộc ngành giao thông có hành vi vi phạm an toàn đường bộ, ví dụ làm đường tạo ra vũng nước, ổ gà gây nguy hiểm cho người đi đường, ông Khuất Việt Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, sau khi lấy ý kiến, cuối tuần này Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ nghe Ban soạn thảo báo cáo tổng hợp các ý kiến và chỉ đạo Ban soạn thảo hoàn thiện để trình Chính phủ trong tháng 10/2015.