Đón dòng đầu tư từ ASEAN: Doanh nghiệp đứng trước nhiều cơ hội
Đó là dự báo của TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao) tại Tọa đàm khoa học “Các cộng đồng ASEAN năm 2015 và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập” vừa được tổ chức tại TP HCM.
TS Trần Việt Thái, từng làm giám đốc Trung tâm Chính sách đối ngoại và nghiên cứu khu vực thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và với kinh nghiệm trong nghiên cứu chiến lược của mình, cho rằng: dù phải rất gấp gáp (chậm nhất tới 2018) để cắt giảm hàng rào thuế quan với các mặt hàng truyền thống theo các hiệp định thương mại đã ký kết, đón đầu nguồn đầu tư mới từ khu vực ASEAN, nhưng các DN trong nước cũng có cơ hội lớn để đầu tư dự án vào các nước thành viên khác.
Theo chuyên gia này, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược 3C của Chương trình GMS. Bởi vì, ngoài Thái Lan thì Việt Nam là thành viên duy nhất của GMS tham gia vào cả 3 hành lang kinh tế, bao gồm hành lang kinh tế Bắc – Nam, Đông – Tây và khu vực phía Nam.
Không chỉ có cơ hội lớn đầu tư vào các hành lang kinh tế giữa Việt Nam và các nước bạn, tới đây việc cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng thường được loại trừ ra khỏi phạm vi các hiệp định FTA truyền thống (Xăng dầu, thuốc lá) và xóa bỏ các biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với đường, muối, trứng, gia cầm và thuốc lá được dự báo cũng sẽ là điều kiện để tăng lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cũng như là cơ hội để DN trong nước vươn ra chiếm lĩnh các thị trường tiềm năng trong khu vực.
Phân tích sâu hơn về các tác động, TS Trần Việt Thái cho biết, trong năm nay sẽ đưa 1.720 số dòng thuế có thuế suất ưu đãi từ 5% tiếp tục được cắt giảm xuống 0%. Đến năm 2018 sẽ đưa trên 600 dòng thuế thuộc các mặt hàng nhạy cảm xuống 0%. Dự kiến việc thực hiện cam kết cuối cùng trong ASEAN sẽ gia tăng nhất định kim ngạch nhập khẩu từ các nước ASEAN, có tác động đến một số ngành nông nghiệp và công nghiệp trong nước, như ngành nhựa, hóa chất, dầu thực vật, đường, sắt thép, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, đặc biệt là ngành ô tô.
Hiện nay Bộ Công thương đã và đang xây dựng lộ trình cho mặt hàng ô tô theo hướng duy trì thêm thời gian bảo hộ trước khi xóa bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2018. Phương án được đề xuất là giảm dần đều từ mức 50% (năm 2014) xuống còn 0% (2018) để ngành sản xuất trong nước thích nghi với việc cắt giảm thuế theo từng năm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vào cuối lộ trình.
“Các DN Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi về thủ tục tự do hải quan, dịch vụ hậu cần, vận tải, CNTT, quy tắc xuất xứ và các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, các DN cũng có thể chủ động thuê mướn lao động nước ngoài khi các rào cản về thương mại – kinh tế được gỡ bỏ, đặc biệt là nguồn lao động có tay nghề từ các nước ASEAN”, TS Trần Việt Thái nhấn mạnh.