Không hạ giá sản phẩm, chăn nuôi khó hội nhập
Từng bước chuyển đổi từ tăng trưởng quá nóng sang tăng trưởng bền vững, từ sản xuất nhỏ lẻ, nông hộ sang sản xuất có quy mô lớn có sự gắn kết giữa nhà sản xuất và DN để hạ giá thành chăn nuôi… Đó là những yêu cầu mà ngành chăn nuôi buộc phải thực hiện nếu không muốn bị “cơn bão” thịt ngoại nhập nhấn chìm khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Ngành chăn nuôi đứng trước nhiều thách thức trước thềm hội nhập.
Mong manh trước thềm TPP
Tại cuộc hội thảo Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP diễn ra sáng 24/9 tại Hà Nội, hầu hết các chuyên gia ngành nông nghiệp đều cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia TPP, ngành chăn nuôi là ngành tổn thương nặng nề nhất.
Riêng đối với chăn nuôi gia cầm, ngay ở thời điểm hiện tại, các sản phẩm thịt gia cầm ngoại nhập đã và đang “làm mưa làm gió” trên thị trường trong nước. Với số lượng nhập khẩu hơn 45.000 tấn trong 8 tháng đầu năm 2015, giá lại chỉ ở mức chưa đến 1 USD/kg giá đầu vào, thịt đùi gà Mỹ đang tạo “cơn sốt” đối với người tiêu dùng Việt trong suốt thời gian vừa qua.
Mỹ là một trong những quốc gia tham gia TPP. Theo khẳng định của ông Mark A.Dries, Tham tán Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Mỹ là một trong những quốc gia có sản lượng gà xuất khẩu đứng trong top đầu thế giới. Bởi vậy, khi TPP được ký kết, đây sẽ là cơ hội rất lớn để Mỹ đẩy mạnh sản lượng thịt gà xuất khẩu.
Rõ ràng, đứng trước một cường quốc xuất khẩu thịt gia cầm như Mỹ, ngành chăn nuôi Việt Nam trở nên mong manh hơn bao giờ hết, và theo như đánh của giới chuyên gia, đây là ngành tổn thương, yếu thế nhất khi Việt Nam hội nhập TPP.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nếu vẫn giữ phương thức làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, không có sự liên kết tạo chuỗi trong sản xuất, không có sự kết nối giữa các DN và nhà sản xuất… để nhằm hạ giá thành, thì giá sản phẩm gia cầm nội địa đừng bao giờ hy vọng có thể hạ thấp. “Và nếu không thể hạ giá thành sản phẩm trong chăn nuôi, thì chúng ta đừng bao giờ hy vọng có thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm ngoại nhập” – ông Lịch nhấn mạnh.
Hạ giá thành mới có thể cạnh tranh
Ông Lịch nêu ra 3 tiêu chí mà ngành chăn nuôi gia cầm trong nước buộc phải đạt được, đó là: Chất lượng thịt, an toàn thực phẩm và giá phải cạnh tranh.
Tuy nhiên, để hạ được giá thành sản phẩm đang là vấn đề đau đầu hiện nay. Khi mà, trong chăn nuôi, giá thành thức ăn chăn nuôi đã chiếm tới 65-70% chi phí. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10-15% so với các nước trong khu vực vì Việt Nam phải phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Đã vậy, suốt một thời gian dài, người nông dân còn phải gánh mức lãi suất cao ngất ngưởng, tới trên 7%/năm, trong khi lãi suất cho vay đối với ngành chăn nuôi ở Mỹ chỉ ở mức 0,5%/năm. Đó còn chưa kể hàng loạt các loại phí, lệ phí mà người chăn nuôi phải gánh…
Chỉ nhìn qua những con số nói trên đã có thể thấy, ngay ở thời điểm hiện tại, thịt gà nội đã khó có thể cạnh tranh nổi với gà nhập ngoại, nói gì đến khi gia nhập TPP, hàng loạt các rào cản về thuế quan được gỡ bỏ. Đối với ngành chăn nuôi, quả thực bài toán để tồn tại trước thềm hội nhập TPP thực sự khó.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, chúng ta vẫn có những lợi thế riêng mà các sản phẩm thịt ngoại nhập chăn nuôi công nghiệp không thể có được. Đó là những sản phẩm gà chạy đồi, lợn cắp nách và những dòng sản phẩm chăn nuôi đặc trưng...
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam, các DN Việt Nam, nhà sản xuất cần tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh để đầu tư, nâng cao chất lượng con giống.
“Thay vì tăng trưởng một cách ồ ạt, vội vã, cần chú trọng vào việc đẩy mạnh những dòng sản phẩm có lợi thế và hướng đến phát triển bền vững, nghiên cứu thị trường để cân đối cung – cầu” – ông Sơn nêu quan điểm và cho biết, dự báo từ nay đến năm 2022, tăng trưởng gia cầm của thế giới là 1,9%, nếu chúng ta tăng chú trọng vào tăng sản lượng quá nhanh, quá nóng thì sẽ dẫn đến tình trạng khó tiêu thụ hết sản phẩm. Khi cung lớn hơn cầu chắc chắn sẽ đẩy người sản xuất vào tình trạng thua lỗ. Đó là vấn đề người sản xuất, DN cần phải lưu ý.
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều chung nhận định, khi thềm hội nhập TPP đã ở rất gần, chúng ta không thể chần chừ hơn được nữa, nếu không xem lại vị trí của mình và đâu là yếu tố then chốt để có thể hạ giá thành chăn nuôi, chúng ta sẽ không đủ sức để cạnh tranh với sản phẩm thịt ngoại. Như vậy, nguy cơ vỡ ngành chăn nuôi đã hiện rõ.