KTS Đào Ngọc Nghiêm: Phân nhóm để đầu tư trọng điểm bảo tồn biệt thự cổ
Việc căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bất ngờ sập đổ cho thấy đã đến lúc cần xem xét đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ chế, yếu tố để bảo tồn, gìn giữ các căn biệt thự, nét văn hóa, kiến trúc của Thăng Long - Hà Nội, đó là nhận định của KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên KTS trưởng TP Hà Nội.
PV: Việc biệt thự 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) sụp đổ khiến nhiều người rất lo lắng. Theo ông, chất lượng biệt thự cổ hiện nay có thật sự đáng lo ngại hay không?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Phần lớn kết cấu của công trình người Pháp xây dựng đều bằng gạch có thời gian khoảng trên dưới 100 năm, chủ yếu tường gạch, móng gạch chịu lực nên độ bền vững theo tiêu chuẩn phân loại của Việt Nam hiện nay có thể là công trình xây dựng tạm, nhà cấp bốn, tương ứng với niên hạn sử dụng 30-50-100 năm.
Đến thời điểm này, có thể nói nhiều công trình đã hoặc gần hết niên hạn sử dụng. Các chuyên gia của Pháp thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã từng trả lời rằng những công trình của Pháp, đặc biệt là các biệt thự xây dựng tại Hà Nội đều đã quá niên hạn sử dụng. Không phải các công trình cứ hết niên hạn là nguy hiểm nhưng rõ ràng chúng ta cần phải chuẩn bị ứng phó với vấn đề này.
Thực tế cho thấy, trên thế giới, nhiều công trình cổ vài trăm năm vẫn tồn tại, đó là do trong quá trình sử dụng họ đã biết cách bảo vệ, tôn tạo nó, vì vậy, thay vì lo ngại, chúng ta cần bắt tay vào việc rà soát các công trình và đưa ra biện pháp thích hợp.
Theo ông, việc đục phá, cơi nới, chắp vá, thay đổi công năng trong quá trình sử dụng có phải là những nguyên nhân quan trọng khiến các căn biệt thự cổ bị xuống cấp nghiêm trọng?
- Đúng là việc khai thác, sử dụng công trình thế nào cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ công trình. Việc đục phá, cơi nới đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng xấu đến kết cấu của nó. Hiện chúng ta đã xây dựng được danh mục phân loại các biệt thự, chỉ ra loại nào cần bảo tồn nguyên trạng, loại nào có thể sửa chữa, cải tạo...
Do đó, các đơn vị chức năng cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu họ đang ở trong biệt thự loại nào để tìm được giải pháp ứng xử đúng, vì sự an toàn của chính họ.
Nên sớm có giải pháp duy tu, bảo dưỡng biệt thự cổ ở Hà Nội.
Bên cạnh những vấn đề từ phía người trực tiếp sử dụng, việc bảo tồn các căn biệt thự cổ hiện nay đang gặp phải khó khăn gì?
- Công tác phân loại đã hoàn tất tuy nhiên vấn đề quan trọng là chúng ta vẫn chưa đưa ra được giải pháp duy tu, bảo dưỡng biệt thự cổ. Muốn có được giải pháp hiệu quả thì phải lập hồ sơ của từng biệt thự, công việc này tuy được đề cập đến từ năm 1996 nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành được một số.
Bên cạnh đó, chúng ta thiếu các cơ chế khuyến khích xã hội hóa bảo dưỡng duy tu nhằm đảm bảo an toàn cho các biệt thự. Ở một số nước châu Âu như Thụy Điển, Italia..., Nhà nước đã bỏ tiền ra cùng với dân để bảo tồn nhà cổ.
Trong hàng trăm công trình đặc biệt họ cũng chỉ chọn lựa ra hơn 40 công trình có giá trị đặt biệt nổi bật để đầu tư bảo tồn.
Hà Nội hiện có gần 1.500 biệt thự cổ, bên cạnh tìm cơ chế xã hội hóa để bảo tồn, theo tôi cần phải phân nhóm kỹ hơn nữa để có giải pháp ứng xử hợp lý. Thay vì giữ nhiều công trình mà không quản lý, bảo tồn tốt thì nên tập trung đầu tư trọng điểm.