Đề phòng bệnh áp xe phổi
Bệnh áp xe phổi là tổn thương nhiễm khuẩn gây ổ mủ trong phổi do vi khuẩn, ký sinh vật, nấm gây ra. Bệnh có thể có một hoặc nhiều ổ áp xe. Khi đã điều trị nội khoa hơn 6 tuần không khỏi, gọi là áp xe phổi mạn tính. Đây là bệnh rất nặng, mọi người cần biết cách phòng bệnh. Nguyên nhân gây áp xe phổi?
Nguyên nhân gây áp xe phổi có nhiều: do vi khuẩn gây viêm nhiễm, hoại tử làm mủ như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn nhóm A, trực khuẩn mủ xanh, vi khuẩn E. Coli, và những vi khuẩn kỵ khí khác. Do nấm gây áp xe. Do nhiễm ký sinh trùng như amíp, sán lá phổi cũng bị áp xe. Do ổ nhồi máu phổi vì tắc mạch, viêm mạch máu viêm nút quanh động mạch, bệnh u hạt. Do ung thư nguyên phát tại phổi bội nhiễm. Do kén hơi bội nhiễm; hoại tử trong bệnh bụi phổi.
Các yếu tố dễ dẫn đến áp xe phổi là: chấn thương lồng ngực có mảnh đạn hoặc dị vật; sau gây mê, đặt nội khí quản, thở máy; sau phẫu thuật tai mũi họng, răng hàm mặt; bệnh nhân mắc các bệnh: đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, giãn phế quản; người nghiện rượu, tiêm chích ma túy, nghiện thuốc lá, thuốc lào…
Các dấu hiệu của bệnh áp xe phổi
Bệnh áp xe phổi có các dấu hiệu bệnh tương ứng với nhiều giai đoạn áp xe. Giai đoạn hình thành ổ mủ kín: bệnh nhân có ho, sốt 39-40o C, đau ngực, có thể có khó thở. Giai đoạn ộc mủ: thời gian khoảng 6 - 15 ngày sau khi hình thành ổ mủ kín, bệnh nhân đột ngột ho tăng lên, đau tăng lên. Ho dữ dội và ộc ra rất nhiều mủ. Khi ộc mủ, bệnh nhân bị vã mồ hôi, mệt lả. Sau ộc mủ thì hết sốt, dễ chịu, ăn ngủ được. Giai đoạn ộc mủ cần đề phòng mủ tràn vào đường thở gây ngạt thở. Bệnh nhân có thể ho ra máu hoặc khạc ra ít mủ nhiều lần trong ngày.
Bệnh áp xe phổi cần phân biệt với một số bệnh khác như: ung thư phổi bị áp xe hoá, bệnh nhân thường trên 45 tuổi, có tiền sử nghiện thuốc lá, thuốc lào. Cùng với triệu chứng áp xe phổi, còn có các triệu chứng: nuốt nghẹn, nói khàn, móng tay khum, ngón tay dùi trống...
Điều trị
Đối với những bệnh nhân khi đã phát hiện áp xe phổi thì cần dùng kháng sinh sớm, nên dùng từ 2 loại thuốc kháng sinh trở lên, với liều cao ngay từ đầu. Khi đã có kháng sinh đồ thì dùng thuốc theo kháng sinh đồ. Thời gian dùng kháng sinh ít nhất 4 tuần.
Bệnh nhân bị áp xe phổi cần được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng tốt. Đảm bảo cân bằng nước điện giải, cân bằng kiềm toan. Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt. Phẫu thuật điều trị các trường hợp: Ổ áp xe trên 10cm; trường hợp áp xe phổi mạn tính điều trị nội khoa không kết quả; ho ra máu tái phát hoặc ho máu nặng đe doạ tính mạng; áp xe phối hợp với giãn phế quản khu trú nặng; có biến chứng rò phế quản - khoang màng phổi…
Phòng bệnh
Bệnh áp xe phổi là bệnh nặng, việc điều trị nhiều khi rất khó khăn, nên cần phải tích cực phòng tránh bệnh.