Biệt thự cổ Hà Nội: Không phải di sản, khó bảo tồn
Trong quan niệm, lâu nay những kiến trúc Pháp, biệt thự Pháp tại Hà Nội nghiễm nhiên được coi là di sản kiến trúc. Nhưng trên thực tế số lượng các công trình đã được xếp hạng di sản văn hóa không nhiều. Hơn thế, sự lộn xộn trong sở hữu đã khiến những công trình nhà cổ gặp nhiều vướng mắc trong quá trình bảo tồn, tôn tạo.
Gìn giữ các di sản kiến trúc đô thị là việc làm cần thiết. Ảnh: Thư Hoàng.
Sau khi biệt thự 107 Trần Hưng Đạo- Hà Nội đổ sập, thêm một lần nữa vấn đề quản lý, bảo tồn, tôn tạo biệt thự cổ, kiến trúc Pháp tại Thủ đô lại trở thành tâm điểm chú ý.
Thực chất, căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo đã được đưa vào danh mục bảo tồn. Tìm hiểu được biết, trước đó từ năm 2013 Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã phối hợp với Viện Quy hoạch kiến trúc (ĐH Xây dựng) thực hiện việc rà soát, chấm điểm, xếp loại danh mục hơn 1.500 căn biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu trên địa bàn thành phố.
Từ kết quả này, Hà Nội đã đưa hơn 1.200 căn vào danh mục thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 (QĐ 52/2013/ QĐ-UBND) và được phân thành 3 nhóm.
Cụ thể: Nhóm 1 gồm 225 căn (từ 70 - 100 điểm) là những biệt thự gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, các sự kiện chính trị được được xếp hạng theo quy định của pháp luật, các biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc; Nhóm 2 có 382 căn (50-69 điểm) là những biệt thự có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm một; Nhóm 3, đồng thời chiếm số lượng lớn nhất gồm 646 biệt thự (dưới 50 điểm) không thuộc nhóm 1 và nhóm 2.
Theo cách phân loại này, biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo nằm trong nhóm 2 (56 điểm). Và việc bảo trì căn nhà nếu có sự thay đổi về màu sắc, vật liệu phải có sự đồng ý của Sở Quy hoạch và Kiến trúc. Với việc cải tạo biệt thự nhóm 2, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao).
Nhận định của các chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng lâu nay Hà Nội đang lúng túng trong việc bảo tồn biệt thự cổ. Bởi trên thực tế, từ năm 2000 cho đến nay chính quyền Hà Nội đã triển khai nhiều dự án liên quan đến việc bảo tồn phố cổ và những công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội. Dẫu vậy, những ngôi nhà trùng tu nằm trong diện dự án hợp tác chưa nhiều.
Hiện có nhiều cái khó trong quá trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các tòa biệt thự Pháp tại Hà Nội. Trước hết về mặt luật, khó có thể đưa hết số biệt thự như đã thống kê nói trên vào danh mục di sản cần được bảo tồn. Cùng với những biệt thự do kiến trúc sư (KTS) người Pháp thiết kế, xây dựng những năm đầu thế kỷ XX, thì có cả những biệt thự do các KTS người Việt thiết kế.
Bởi từ năm 1923, Toàn quyền Đông Dương đã thành lập một Tổng Nha qui hoạch và kiến trúc, tiếp đó, khoa Kiến trúc của Trường ĐH Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1926 cho phép tạo sự phát triển mới trong lĩnh vực xây dựng ở Hà Nội. Vậy là một thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên đã được học hành bài bản từ đây.
Họ vận dụng rất tốt các nguồn tri thức của cả hai nền văn minh Pháp - Việt. Và có khoảng 100 ngôi biệt thự ở Hà Nội là tác phẩm của họ. Bao gồm những biệt thự pha trộn ở khu phố Trần Quốc Toản, biệt thự ở ngõ Tức Mặc (phố Trần Hưng Đạo), biệt thự ở góc phố Nguyễn Du…
Hiện chính quyền Hà Nội chỉ có thể quản lý, phân loại biệt thự cổ thông qua Quy chế ở trên. Điều này lý giải vì sao có tình trạng cho dù có kiểm kê rồi cũng khó có thể đưa ra giải pháp bảo tồn, vì biệt thự cổ đã được phân nhóm…
Nguyên nhân thứ hai, là sự lộn xộn trong sở hữu biệt thự cổ hiện nay. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong số hơn 1.500 căn biệt thự xây dựng từ thời Pháp thuộc, có 562 biệt thự tư nhân đang sử dụng, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 42 biệt thự ở trung tâm chính trị Ba Đình không được phép tư nhân hoá nằm trên các tuyến như Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng...
Những biệt thự mang sở hữu tư nhân đang là một băn khoăn lớn của dư luận. Đơn cử như tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo thuộc Tổng Công ty Đường sắt, nhưng rồi lại là nơi cư trú của 21 hộ dân. Rõ ràng là từ sở hữu công lại hóa thành loại hình nhà ở. Mà nhà ở tư nhân thì mỗi người sẽ muốn cải tạo theo cách riêng của mình. Điều ấy khiến cho việc bảo tồn, tôn tạo gặp khó khăn âu cũng là điều dễ hiểu.
Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính, vấn đề chúng ta đang phải đối mặt chính là tính khả thi của việc gìn giữ các di sản kiến trúc đô thị này. Việc bảo tồn còn khó vì chúng ta chưa nắm rõ 2 khái niệm bảo tồn di tích với bảo tồn di sản kiến trúc. Hiện tại với một ngôi biệt thự, người cứ chờ Bộ VHTT&DL công nhận là di tích.
Trong khi đó, quỹ tài sản kiến trúc đô thị này lại có giá trị sử dụng, nghĩa là nó là di sản sống. Vì thế, không thể coi hàng ngàn cái nhà ở là di sản, di tích hết được… Vấn đề đặt ra ở đây là đừng ngồi chờ nó trở thành di tích rồi mới bảo tồn.
Sau sự cố căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, chiều 23-9, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi chính quyền các tỉnh, thành phố Trung ương về việc rà soát các công trình có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng. Dư luận cho rằng, đây vẫn là chuyện xử lý những vụ việc “đã rồi”. Trong khi đó, người Pháp dù chẳng còn trách nhiệm với những căn biệt thự cổ tại Việt Nam nhưng vài năm trước vẫn gửi thư thông báo về tuổi thọ và khuyến cáo cần có biện pháp đối với các công trình kiến trúc này.
Dù bộ mặt kiến trúc của một đô thị đang phát triển đã có những đổi thay đáng kể, song những giá trị di sản chứa đựng trong khu phố Pháp vẫn vô cùng quý giá để qua đó người ta đọc được những dấu vết lịch sử của Thủ đô hơn 1.000 năm văn hiến. Chính các chuyên gia kiến trúc Pháp cũng khẳng định, có lẽ rất ít thành phố nào của châu Á còn lưu giữ được một nguồn di sản phong phú như vậy. Đó là nguồn tài nguyên có giá trị, chứa đựng cả giá trị về văn hóa và phát triển du lịch.