“Ăn theo” hộ khẩu
Ai cũng hiểu hộ khẩu là thứ tối quan trọng của mỗi gia đình, trước hết để xác định nhân thân, định danh từng thành viên… Song, chính cái sự “tối quan trọng” đó khiến các cơ quan công quyền, các đơn vị hành chính công... “mượn cớ” gây khó cho người dân khi áp hàng loạt các loại dịch vụ xã hội “ăn theo” hộ khẩu. Từ điện, nước sinh hoạt cho đến sang tên nhà đất, đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, nhất nhất đều phải có hộ khẩu.
Thôi thì khoan bàn đến việc khai sinh, khai tử, sang tên đổi chủ nhà đất phải cần đến hộ khẩu là có cần thiết hay không. Chỉ riêng chuyện dịch vụ điện, nước cũng “ăn theo” hộ khẩu khiến không ít cán bộ tỉnh xa về Hà Nội công tác khóc dở, mếu dở vì phải làm “người rừng” giữa đô thị phồn hoa vì không có điện, nước sinh hoạt. Nói có sách, mách có chứng, người viết bài đã từng phải dùng mối quan hệ cá nhân giúp một cô em làm ở một công ty nhà nước của Hà Nội lắp điện, nước, khi mà cô này đã “gõ” đủ các “cửa”, kêu than rát cổ bỏng họng mà vẫn không được giải quyết.
Cụ thể, K.A. quê ở Hưng Yên nhưng công tác tại Hà Nội nên đã mua nhà tại một quận nội thành Hà Nội để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hàng năm trời cô phải câu điện hàng xóm và xin nước sạch để dùng, vì không được lắp. Công ty điện lực và xí nghiệp nước sạch của quận đó từ chối lắp điện, nước cho K.A. với lý do: Chưa có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Quá khổ sở vì thiếu điện, nước sinh hoạt ở giữa Hà thành phồn hoa, K.A đành cấu cứu sự trợ giúp của người thân. Và điều đáng nói là chỉ sau vài cú alo của người viết bài, K.A. đã được điện lực và nước sạch “niềm nở” cung cấp dịch vụ của họ.
Còn nữa, do quy định chưa hợp lý của các văn bản pháp luật nên người dân từng bị xoay như chong chóng trong cái vòng luẩn quẩn: Không có hộ khẩu thì không thể đứng tên chính chủ mua nhà, mà không có nhà thì đương nhiên không được nhập hộ khẩu. Không ít người ở các tỉnh về Hà Nội công tác đã phải nhờ người đứng tên mua nhà ở để có thể yên tâm công tác. Song, họ như người đi ở nhờ, thấp thỏm vì biết đâu người đứng tên mua nhà giúp họ không lật lọng để chiếm đoạt nhà? Điều quan trọng hơn là khi nhà đứng tên người khác thì họ không thể chứng minh đó là chỗ ở hợp pháp của mình để cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hộ khẩu…
Chưa hết, không ít bà mẹ công tác tại Hà Nội nhưng lại chưa có hộ khẩu thường trú không khỏi bấn loạn khi các trường tiểu học, THCS không nhận trái tuyến. Ở Hà Nội, đất chật, người đông, rất nhiều trường tiểu học, THCS chỉ nguyên nhận những con em của người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn cũng đã quá đông, nói gì đến con em những người không có hộ khẩu thường trú. Nhưng nếu có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, các bà mẹ tỉnh lẻ sẽ không phải chạy vạy lận đận khắp nơi để nhờ vả, lạy lục xin cho con đi học, mà các trường buộc phải nhận các cháu vào học.