Tháo gỡ điểm nghẽn: Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng

Lục Bình (thực hiện) 26/09/2015 22:01

Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh được coi là cú hích buộc các cơ quan liên quan phải chuyển động. Tuy đã đạt được những kết quả ban đầu, nhưng vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.

Tháo gỡ điểm nghẽn: Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng

Đơn giản thủ tục để doanh nghiệp chủ động phát triển sản xuất.

PV: Thưa ông, việc thực hiện NQ19 còn những điểm nghẽn. Cụ thể ra sao?

Tháo gỡ điểm nghẽn: Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng - 1

Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi nghĩ điểm nghẽn nhất trong thực hiện NQ chính là tư duy. NQ19 đòi hỏi cách tiếp cận rất mới về đánh giá, thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn các Bộ, ngành chưa thực sự đổi mới tư duy theo đúng yêu cầu cải cách. Vì vậy, triển khai một số giải pháp rất chậm.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, các đơn vị trong Bộ, các Bộ với nhau, giữa Trung ương với địa phương, giữa các sở trong một địa phương, sở với cấp huyện cũng có lúc, có nơi rời rạc. Hiệu quả của cải cách chỉ có được nếu chung tay, phối hợp.

Trong NQ, việc cải thiện môi trường kinh doanh không thể không áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), tuy nhiên CNTT của chúng ta hiện nay chỉ số ít nơi áp dụng. Nếu chỉ ngành Thuế, Hải quan ứng dụng CNTT mà các “cửa” khác không ứng dụng thì mọi cải cách sẽ vô nghĩa.

Ngay cả ngành Thuế, Hải quan là những ngành đi đầu trong ứng dụng CNTT nhưng cũng gặp không ít sự cố như nghẽn mạng, lỗi hệ thống. Chỉ cần những lỗi như vậy, DN phải chờ đợi thời gian quá dài nên họ nản lòng.

Trong khi nhiều thủ tục bất hợp lý chờ bãi bỏ thì nhiều thông tư mới lại được ban hành, kèm thêm những điểm gây khó cho DN, ông có thể nói cụ thể việc này?

- Có 2 điều quy định ở Luật Đầu tư, đó là từ 1/7/2016 những quy định về điều kiện kinh doanh mới có hiệu lực. Luật này quy định các thủ tục hành chính nằm trong thông tư, quyết định của các bộ, ngành, địa phương không còn phù hợp nữa (khoảng 3.300 điều kiện kinh doanh) sẽ phải bãi bỏ. Luật Đầu tư cũng nói rõ, kể từ 1/7/2015, những quy định về điều kiện kinh doanh do các Bộ ban hành đương nhiên không có hiệu lực thi hành. Nghĩa là các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành không có quyền ban hành các điều kiện kinh doanh. Nếu cứ ban hành là trái thẩm quyền.

Đáng tiếc là 3.300 điều kiện kia chưa hết hiệu lực thi hành nhưng các Bộ, ngành có vẻ đang cố gắng hợp pháp hóa những điều kiện kinh doanh mới. Chúng tôi đã tập hợp 10 thông tư đã kí hoặc đang soạn thảo của các Bộ quy định về điều kiện kinh doanh đối với DN. Ở đây, rõ ràng một số Bộ không những không thực hiện đúng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Hiến pháp 2013 về bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân DN mà còn tiếp tục ban hành các quy định trái thẩm quyền.

Về giảm số giờ theo NQ19, các Bộ khẳng định đã giảm trên 80% nhưng DN mới cảm nhận giảm được khoảng 20%, tại sao lại có sự chênh nhau đến vậy, thưa ông?

- Việc có sự vênh giữa báo cáo đánh giá của bộ ngành và DN là bình thường vì có độ trễ của chính sách với thực thi chính sách. Tuy nhiên, ngoài lý do độ trễ chính sách, cũng có lý do chưa có sự đồng bộ giữa các chính sách. Nếu Bộ này thay đổi nhưng Bộ khác chưa thay đổi thì tổng thể vẫn là nghẽn. Chẳng hạn, nhiều thủ tục thuế, cơ quan nhà nước khẳng định đã bãi bỏ nhưng DN chưa tin lắm nên cứ làm thủ tục dự phòng. Muốn gỡ điểm nghẽn này cơ quan nhà nước phải thực thi thật nghiêm túc những thay đổi về mặt chính sách, tạo lòng tin cho người dân, DN là chúng ta thực sự đang thay đổi. Nếu người dân, DN không tin, chính sách thất bại.

Một lý do khác có thể dẫn tới sự vênh nhau trong đánh giá là Ngân hàng Thế giới đánh giá, số giờ nộp thuế và BHXH là 872 giờ. Tuy nhiên, có thể thực tế của chúng ta còn phức tạp hơn so với đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Thế nên, Tổng cục Thuế bảo giảm được 80% mà DN mới cảm nhận được 20%, trên thực tế, có thể hơn 872 giờ.

Một lĩnh vực DN quan tâm và NQ19 cũng đã nêu là cần tạo ra đột phá trong các thủ tục xuất nhập khẩu (XNK). Ông đánh giá thế nào về tác động của NQ19 tới các thủ tục thuộc lĩnh vực này?

- Về XNK đối với thủ tục thông quan, ngành Hải quan làm tốt. Tuy nhiên, Hải quan chỉ là một điểm mà thông quan còn rất nhiều kiểm tra chuyên ngành. Điểm nghẽn hiện nay của thủ tục XNK nằm ở các quản lý chuyên ngành về XNK. Quản lý chuyên ngành theo khảo sát chiếm 35% tổng hồ sơ XNK. Khảo sát 6 tháng đầu năm, số lượng hồ sơ thuộc quản lý chuyên ngành tăng hơn so năm ngoái, như vậy hồ sơ tăng lên mà thủ tục chưa đơn giản hóa.

Vậy làm gì để thực sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thưa ông?

- Phải thực hiện nghiêm NQ19. Mỗi sự thay đổi cần được thông tin cho DN, người dân một cách thực sự rõ ràng, cụ thể. Thời gian qua, đã thay đổi nhiều liên quan đến thuế, BHXH, nhưng đến DN họ bảo chưa được thông tin về những thay đổi đó là không hiệu quả. Cần có sự giám sát của người dân, DN, các chuyên gia, đánh giá tạo áp lực để các cơ quan liên quan thực thi đúng tinh thần yêu cầu NQ19. Không làm quyết liệt thì dân, DN nản lòng. Phải giám sát bên ngoài thúc đẩy bên trong, để đẩy đẩy nhanh tiến trình cải cách.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lục Bình (thực hiện)