Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi: Lợi bất cập hại
Dù đã cảnh báo nhưng việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn ở mức quá đà, thậm chí dùng cả những chất cấm để nhằm mục đích thu lợi nhuận cao. Mặc dù cơ quan quản lý đã có những biện pháp ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, song hiệu quả đạt được chưa như ý muốn.
Thịt lợn siêu nạc khiến người tiêu dùng băn khoăn.
Cấm sử dụng, chất cấm vẫn tràn lan
Một thống kê của Mỹ cho biết, tại nước này, mỗi năm có khoảng hơn 20.000 người chết do ảnh hưởng kháng thuốc cũng chỉ vì cơ thể con người tích tụ nhiều kháng sinh do ăn các loại thực phẩm sử dụng quá nhiều chất này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo, việc sử dụng không đúng và quá liều lượng các chất kháng sinh trên người và cả động vật sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe cộng đồng… |
Nếu không quyết liệt trong việc ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi, ngành chăn nuôi sẽ tự hủy hoại mình- giới chuyên gia ngành nông nghiệp băn khoăn.
Lạm dụng kháng sinh từ lâu đã trở thành thói quen xấu của không ít người chăn nuôi. Theo giới chuyên gia, nếu sử dụng kháng sinh để trị bệnh cho vật nuôi thì không phải là điều đáng quan ngại, đó là việc cần phải làm, thế nhưng nhiều người đã thường xuyên sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn chăn nuôi với mục đích phòng tránh bệnh cho vật nuôi ngay từ đầu. Chính cách làm này đang làm hại ngành chăn nuôi.
Hệ lụy của cách làm này đối với môi trường, với cộng đồng là rất lớn. Một nghiên cứu của một tổ chức chuyên ngành cho biết, tồn dư kháng sinh trong gia súc, gia cầm cao sẽ gây ra tình trạng chuyển hóa protein thành các histamin gây những chứng bệnh mãn tính cho người sử dụng. Người thường xuyên sử dụng các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhiễm kháng sinh sẽ bị nhờn thuốc, khi mắc bệnh sẽ khó chữa khỏi chính bởi lượng kháng sinh tích tụ trong người kháng lại các thuốc chữa bệnh.
Chính vì thế, nhiều nước trên thế giới đang hướng đến mục tiêu “nói không với kháng sinh” để hạn chế thấp nhất những hậu quả có thể xảy ra đối với con người và môi trường. Ở nước ta, năm 2015 được xem là năm quan trọng của ngành nông nghiệp trong việc kiểm soát và xử lý các vi phạm trong sử dụng kháng sinh và chất tăng trọng để khôi phục lại niềm tin của người tiêu dùng đối với ngành chăn nuôi.
Tháng 8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đợt thanh tra, kiểm soát tại các lò mổ lợn và nhiều trang trại chăn nuôi ở một số tỉnh/thành phía Nam. Qua kiểm tra 227 mẫu thịt và nước tiểu lấy ngẫu nhiên tại các lò mổ lợn ở TP Hồ Chí Minh, đã phát hiện tới 31 mẫu dương tính với chất cấm salbutamol với hàm lượng từ 80 - 130ppb, mức này vượt mức cho phép tới 6 lần (quy định cho phép tồn dư là 20ppb).
Kiểm soát từ khâu thương lái
Thực tế này cho thấy, mặc dù cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc, song các hộ chăn nuôi vẫn sử dụng chất cấm một cách tràn lan. Một phần vì lợi nhuận, một phần do nhận thức của người dân còn hạn chế.
Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, việc vào cuộc gắt gao xử lý các trường hợp vi phạm là cần thiết, nhưng đó không phải là giải pháp lâu dài. Điều cần làm hiện nay để ngành chăn nuôi có thể loại bỏ được chất cấm chính là phải thay đổi tư duy của người chăn nuôi. Tuy nhiên, đây lại không phải là việc đơn giản, không thể thực hiện một sớm một chiều.
“Muốn thay đổi hành vi, tư duy của người chăn nuôi, hô hào không thôi chưa đủ”- ông Hồ Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty CP GreenFeed Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Dũng, thời gian qua, nhà quản lý đã cố gắng tìm những giải pháp để thuyết phục người chăn nuôi không sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, có hàng chục triệu hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cả nước, làm như vậy thì không xuể. Vả lại, việc các cán bộ đi thuyết phục người nông dân sẽ không thể hiệu quả bằng việc thương lái nói như thế nào với người nông dân.
“Chỉ cần thương lái nói với nông dân là, ông/bà sử dụng chất này, chất kia, tôi không mua lợn, gà của ông bà thì ngay lập tức người nông dân sẽ không sử dụng các chất đó nữa”- theo ông Dũng.
Thương lái chính là đầu mối có thể thay đổi hành vi của bà con nông dân, chính họ là đối tượng yêu cầu con lợn nuôi phải nhiều nạc, nên mới nảy sinh thực trạng người nông dân sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.
“Bởi vậy, chúng ta cần kiểm soát ở chính khâu thương lái, khâu thu mua, vì khâu này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và cả suy nghĩ của người nông dân”- ông Dũng nhận định và nhấn mạnh: Cho dù chúng ta có tổ chức hàng trăm hội thảo tuyên truyền “nói không với chất kháng sinh”, cũng không thể có tác dụng bằng lời nói của một thương lái.