Sai phạm vì thiếu giám sát trong tu bổ di tích
Dư luận đang bức xúc trước việc chùa Trăm Gian (Chương Mỹ - Hà Nội) tiếp tục bị xâm hại. Từ sai phạm về việc cho mở xưởng gỗ ngay cạnh chốn thâm nghiêm cửa Phật, việc tôn tạo 2 hạng mục vườn Tháp và nhà Ni vừa phát lộ những dấu hiệu xây dựng không đúng phê duyệt của cơ quan chức năng.
Vườn tháp chùa Trăm Gian trước tường gạch, sau tu bổ xây tường đá. Ảnh:Yên Vân.
Lặp lại sai phạm
Điều ập vào mắt những người đến thăm chùa Trăm Gian những ngày này là, phía bên trái lối đi chính dẫn lên chùa là vườn Tháp vừa được xây mới, lạc lõng hoàn toàn so với sự cổ kính của toàn bộ quần thể di tích. Sau khuôn viên chùa, sáu gian nhà Ni vừa hoàn thành phần lợp ngói, đang hoàn thiện nội thất theo hướng năm gian ban đầu được nới rộng, ngăn thành sáu gian riêng rẽ khép kín, công trình phụ ốp đá hiện đại.
Theo xác minh của của Sở VH-TT Hà Nội, việc tu bổ này hoàn toàn không đúng với phê duyệt tu bổ khẩn cấp của các cấp có thẩm quyền, chỉ cho phép tu sửa hai ngôi tháp hư hỏng nặng; xây lại tường bao và lát lại nền vườn Tháp bằng gạch đá Thanh Hóa và mạch chữ Công; tu sửa 2 ngôi tháp phía trong, hương án hư hỏng nhẹ, xây mới một tháp Lễ công đồng; xây mới 2 ngôi tháp đưa di cốt của các vị sư tổ về thờ tại vườn Tháp.
Trước phản ứng của dư luận, sư trụ trì chùa Trăm Gian - Thích Đàm Khoa lại một lần nữa nhận lỗi. “Tại thầy, do thầy muốn tu sửa vì các hạng mục này đã xuống cấp quá”.
Còn nhớ, vào tháng 9/2012, việc chùa Trăm Gian cũng được trùng tu theo hướng “phá hoại di tích” đã làm nóng dư luận khi xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều người cảm thấy bị “sốc” khi chứng kiến nhà Tổ, gác khánh, thềm đá có tuổi đời nhiều trăm năm của chùa đã bị đập bỏ để xây mới khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền.
Điều đáng ngạc nhiên là, việc xây mới những hạng mục này diễn ra trong nhiều ngày, thông tin về quyên góp dựng chùa còn được phát thanh trên hệ thống loa xã, nhưng cơ quan chức năng từ thôn, xã, huyện, thành phố, trung ương không ai hay biết.
Phải đến khi dư luận lên tiếng, các cơ quan chức năng vào cuộc, đặc biệt, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc kiểm tra, giám sát tại di tích thì những nguyên nhân, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong sai phạm này mới được làm rõ.
Lỗ hổng ở đâu?
Được biết, việc tu bổ 2 hạng mục vườn Tháp và nhà Ni tại chùa Trăm Gian được UBND TP Hà Nội phê duyệt với đầy đủ quy trình. Thế nhưng, thực tế đã cho thấy, các văn bản thể hiện sự quản lý của các cơ quan chức năng chỉ mang tính hình thức, làm cho có mà không hề có sự giám sát trong quá trình thực hiện. Bà Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương thừa nhận, xã không nắm được hồ sơ cấp phép xin sửa chữa tu bổ của chùa mà chỉ đến kiểm tra, nghiệm thu trên thực địa và tin tưởng vào báo cáo của nhà chùa.
Đây cũng là thực tế diễn ra ở nhiều di tích quan trọng khác trên cả nước trong thời gian qua. Dư luận vẫn chưa quên vụ đình cổ Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội), một di tích được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia bị làm mới một cách không ăn nhập với tổng thể hồi đầu năm 2014.
Tiếp sau đó, tấm bia cổ Sùng Thiện Diên Linh - bảo vật quốc gia ở chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) “bị làm sạch” một cách phũ phàng hồi tháng 4/2014, rồi chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội) tự bổ sung các hạng mục mới hồi tháng 7/2014…
Tình trạng này còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, điển hình là Đền Chào (Kỳ Thọ - Kỳ Anh- Hà Tĩnh) mới được tu bổ, tôn tạo gần đây, bức bình phong đáng lẽ phải nằm phía trong cổng lại được mang ra đặt phía ngoài. Hay như tại thành Sơn Phòng - Hàm Nghi (Hương Khê - Hà Tĩnh), lẽ ra theo kiến trúc vùng Trung Bộ, kèo phải được thiết kế cong nhưng kết cục lại được làm thẳng giống kiến trúc vùng Bắc Bộ…
Rõ ràng, công tác quản lý di tích ở nhiều địa phương vẫn đang còn những lỗ hổng và nhiều sự việc chỉ được phát hiện sau khi sự đã rồi. Việc phát hiện muộn những sai phạm không chỉ làm sự xuống cấp của di tích thêm trầm trọng mà còn khiến việc khắc phục trở nên khó khăn và tốn kém.
Làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Theo GS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, chúng ta đã có Luật Di sản và có rất nhiều các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện công tác bảo tồn các di tích. Vấn đề là chính quyền địa phương đã lơi lỏng việc quản lý các di tích trên địa bàn. Lẽ ra, các giải pháp tu bổ phải được trao đổi rộng rãi, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, đồng thời, quá trình tu bổ di tích phải được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát, của chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân nơi có di tích. Nếu việc quản lý, giám sát này không được thực hiện nghiêm, nếu những sai phạm không được xử lý dứt điểm thì e rằng những sai phạm tương tự sẽ còn tái diễn.