Ghi ở một vùng cứ địa
Hiện tại tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Trào chỉ còn 3,84%; thu nhập bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người/năm. 100% thôn có internet; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia”. Đây là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của người dân quê hương cách mạng, cũng như sự đầu tư hiệu quả của Đảng, Nhà nước cho vùng căn cứ cách mạng.
Bức tranh nông thôn mới ở Tân Trào.
Với một diện tích không lớn, trập trùng núi đồi, “Chiến khu gió ngàn” - ATK Tân Trào (nằm trên hai huyện Yên Sơn và Sơn Dương của Tuyên Quang) đã có 15 di tích và cụm di tích lớn nhỏ nổi tiếng như lán Nà Lừa, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào… Tại đây, từ năm 1941 đến năm 1945 đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là việc tuyên bố bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền và giải phóng thủ đô Hà Nội.
Đường vào Tân Trào bây giờ dễ đi lắm, xe cộ chạy vù vù, đường sá đã được nhựa hoá, bê tông hoá vào tất cả các thôn bản, ăng ten thu phát sóng cứ hối hả vươn lên trời.Đón chúng tôi trước trụ sở UBND xây dựng khá khang trang, với dáng người đậm chắc, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hòa, người từng đi du học ở Anh quốc hồ hởi: Hiện tại trên khu ATK Tân Trào có 5 anh em dân tộc sinh sống, nhiều nhất là người Tày, ít nhất là người Cao Lan. Cả xã có 8 thôn, 959 hộ và 4.069 nhân khẩu. Ngoài diện tích ruộng, diện tích hoa màu, năm mùa đổi vụ, chắt chiu, chịu khó tới nay Tân Trào đã khởi sắc.
Hiện tại tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Trào chỉ còn 3,84%; thu nhập bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người/năm. 100% thôn có internet; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia”. Đây là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của người dân quê hương cách mạng, cũng như sự đầu tư hiệu quả của Đảng, Nhà nước cho vùng căn cứ cách mạng.
Theo các chuyến xe, hàng hoá nông sản được chở ra nơi tiêu thụ cùng với đó là tiền và các vật dụng khác được đưa vào. Nhờ những khởi sắc này mà 100% trẻ em ở các lứa tuổi được đến trường. Trường Mầm non Tân Trào khang trang, tọa bên những ruộng lúa xanh mướt. Các cháu mầm non được dạy và học theo chương trình chuẩn quốc gia.
Cô Nguyễn Thị Quý, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trường Mầm non Tân Trào đã được công nhận chuẩn quốc gia nên việc dạy và học của nhà trường được quan tâm đặc biệt. Thật bất ngờ, là một trường vùng cao nhưng từ lâu trường đã thực hiện giáo án điện tử, hoàn toàn có thể làm việc, liên hệ với nhà trường qua internet. Tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ trường mầm non mà trường tiểu học, trường THCS ở Tân Trào đều đã được công nhận trường chuẩn quốc gia. Các trường học được nối internet rộng khắp.
Theo những nhịp đổi mới hối hả, tìm vào thôn Tân Lập, nơi mà 70 năm về trước, đã diễn ra sự kiện trọng đại Quốc dân Đại hội Tân Trào. Thôn Tân Lập nằm ở phía Đông của xã Tân Trào có 182 hộ, 762 nhân khẩu, trên 80% dân số trong thôn là người dân tộc Tày. Tân Lập gắn liền với thời gian Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từ tháng 6 đến cuối tháng 8 năm 1945.
Nhờ có sự hỗ trợ, vươn lên của người dân, từ 63 hộ nghèo nay Tân Lập chỉ còn 12 hộ nghèo và cận nghèo. 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở đều theo học tiếp các trường phổ thông trung học. Đặc biệt 180 gia đình ở Tân Lập đã tham gia câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Những con số mà không phải vùng đồng bào dân tộc nào cũng có thể làm được. Với sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân thôn Tân Lập và các thôn khác đã góp phần đưa xã Tân Trào từ năm 2014 trở thành xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đợt vào Tân Trào này, chúng tôi cũng đã tìm tới nhà cụ Nguyễn Tiến Sự khi ấy là Chủ nhiệm Việt Minh xã Tân Trào và cũng là nơi đầu tiên Bác Hồ chọn làm chỗ ở và hoạt động. Trong ngôi nhà sàn gỗ đặc thù của vùng chiến khu Việt Bắc tôi thấy nhà không thiếu một thứ gì. Con dâu của cụ Nguyễn Tiến Sự, bà Hoàng Thị Mai cho biết: “Bây giờ cả xã và nhà tôi hết đói rồi nhà báo ạ, ở đây, nhà nào mà để cho mình đói là xấu hổ, là phải sửa ngay thôi”. Trò chuyện tôi được biết, hiện tại ngoài ruộng vườn, nhà cụ còn đầu tư máy sát, mở rộng chăn nuôi. Mỗi năm, ước tính, trừ tất cả các chi phí gia đình còn cất vào tủ được đến vài chục triệu đồng.
Chia tay với Tân Trào, cái thuở “hắt hưu lau sám” đã nhanh chóng qua đi ở nơi đây. Thay vào đó là một sự khởi sắc về kinh tế và một tinh thần “đậm đà lòng son” còn mãi.