Hé gương cho người đọc
Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy vừa ra mắt tập phê bình văn học với tựa đề “Hé gương cho người đọc”.
Cuốn sách đánh dấu tác phẩm thứ 10 về phê bình của Đỗ Lai Thúy kể từ “Mắt thơ” (tập phê bình phong cách Thơ mới) xuất bản lần đầu năm 1992...
Cuốn sách gồm 10 bài viết, trong đó ngoài bài mở đầu là “Đọc trong không gian văn hóa đương đại” giống như cánh cửa để bước vào không gian phê bình của tác giả thì còn lại là 9 chân dung văn học trung đại: Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du - Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Tú Xương, Tản Đà.
Tác giả phân tích cụ thể 9 tác giả từ thành phần xã hội (quan binh, quan lại…) đến nguồn ảnh hưởng chủ yếu (Phật giáo, dân gian, tư tưởng Lão - Trang, tư tưởng thị dân…) và thể loại sáng tác chủ yếu (ngâm khúc, truyện Nôm, Đường luật...).
Rồi ông chỉ ra hai hướng vận động “cũng là con đường hiện đại hóa của văn học Việt Nam”, thứ nhất là từ quan lại đến bình dân, thứ hai là từ nông thôn đến đô thị. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành.