Không ai bị bỏ lại sau

Hoàng Mai 28/09/2015 09:15

Đó là cam kết của Việt Nam được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu lên trong sự kiện cấp cao về mô hình phát triển nông thôn mới và cộng đồng bền vững do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hàn Quốc tổ chức, nhân Hội nghị thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030, tổ chức tại New York hôm 26/9. Một chương trình nghị sự được kỳ vọng là sẽ tuyên chiến với nghèo đói và đấu tranh vì khát vọng cao đẹp.

Cánh đồng mùa nước.

Quả thực, ở vào giai đoạn này khi chúng ta vẫn còn phải đề cập đến việc xóa đi đói nghèo là việc chẳng đặng đừng. Nhưng, sẽ không thể khác được khi ba phần tư số người nghèo đói hiện sống ở các vùng nông thôn, hầu hết làm nông nghiệp; sự chênh lệch giàu-nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn.

Với riêng Việt Nam, một đất nước mà 70% dân số sống ở nông thôn, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung tại Việt Nam. Đó cũng là lý do, vì sao cùng với nhiều quốc gia khác, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vào Chương trình nghị sự 2030 các nội dung về phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững 2.a về “Tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, cho các nghiên cứu và dịch vụ khuyến nông, phát triển công nghệ, các ngân hàng gien thực vật và vật nuôi để nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển”, nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa nông thôn và thành thị, góp phần vào tiến bộ chung của toàn xã hội - Chủ tịch nước đã nói như thế trong phiên họp chuyên đề về mô hình phát triển nông thôn kể trên.

Thực tế, phát triển khu vực nông thôn hay nói cách khác để nông thôn tiến kịp với tộc độ phát triển của đô thị bao giờ cũng là đích đến và đồng thời là thách thức của các nước đang phát triển. Bởi, nguồn lực và ngân sách eo hẹp nhiều khi khiến các Chính phủ không đủ khả năng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn. Nhưng, cũng chính từ đó mà đã có nhiều sáng kiến nảy sinh. Với Việt Nam, kể từ năm 2010 - năm bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, cả nước đã có 785 xã đạt chuẩn (chiếm 8,8% tổng số xã trên toàn quốc).

Cũng đã có 1.285 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 2.836 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 2.964 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí;… và không còn xã trắng tiêu chí. Hiện chúng ta đang đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Điểm nổi bật của Chương trình xây dựng nông thôn mới đó là đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Nhiều địa phương của Việt Nam đã tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng như câu chuyện của Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa… Rồi những mô hình cánh đồng mẫu lớn, những mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương cũng đã được quan tâm.

Phát biểu tại sự kiện cấp cao về mô hình phát triển nông thôn mới và cộng đồng bền vững, Chủ tịch nước đã thông báo tới bạn bè quốc tế: “Nông thôn Việt Nam hiện đang chuyển biến mạnh mẽ: 700.000 km đường giao thông nông thôn đã được cải tạo hoặc xây mới; trên 20.000 phòng học và hàng ngàn nhà văn hoá, trạm y tế, trạm cấp nước sạch, công trình thuỷ lợi được xây dựng ở nông thôn; trên 19 ngàn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, sự liên kết giữa doanh nghiệp-nhà khoa học đã đem lại kết quả tích cực. Nhờ đó bộ mặt nông thôn Việt Nam đã đổi thay rõ rệt, nhất là về hạ tầng, thu nhập.”

Thực ra, để có được tất cả những kết quả nêu trên rõ ràng là sự kết hợp của một tiến trình phát triển kinh tế- xã hội hài hòa cùng với cam kết chính trị mạnh mẽ, được thể hiện từ sự vào cuộc của toàn xã hội. Và người nông dân ở Việt Nam đã thực sự trở thành chủ thể sáng tạo trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, làm cho bộ mặt nông thôn đổi thay. Nhưng, làm thể nào để nông thôn có thể đổi thay và phát triển bền vững. Với Việt Nam, “hỗ trợ từ Nhà nước rất cần thiết nhưng chưa đủ” mà cần phải sử dụng các nguồn lực xã hội hóa và sử dụng một công khai, minh bạch, theo phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã dành một thời lượng thích đáng để nói về quan điểm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại khi xác định: Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân”.

Báo cáo cũng chỉ rõ: “Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hoá một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn, tăng cường kết nối nông thôn - đô thị, phối hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Xác định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong nông nghiệp, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước; phát triển hợp tác xã kiểu mới; hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ.”- đó cũng là cách Việt Nam cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và bảo đảm rằng “không ai bị bỏ lại sau”.

Hoàng Mai