Đổi mới giáo dục: Không thể nửa vời

H.Vũ (thực hiện) 28/09/2015 06:40

Bàn về giải pháp để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: Phải tiến hành triệt để chứ không thể nửa vời thì mới đạt kết quả.

PV: Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục- đào tạo là chủ trương lớn của Đảng, một lần nữa lại được Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII đề cập. Theo ông cần giải pháp đổi mới như thế nào để những năm tới có được sự chuyển biến mạnh mẽ, làm cho giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Đổi mới giáo dục cần phải làm đồng bộ, chứ nếu làm từng phần thì không giải quyết được. Theo tôi Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới toàn diện giáo dục là đúng hướng, toàn diện, nhưng bây giờ cần bàn sâu hơn về cách làm và làm triệt để.

Ví dụ xây dựng đội ngũ, còn nếu cứ làm như kiểu cũ bồi dưỡng báo cáo qua lớp này lớp khác thì giáo viên vẫn đâu vào đấy, không giải quyết được.

Thứ hai là phải có cơ chế đánh giá cho đúng để khích lệ người làm thật, làm giỏi, cũng như động viên những người trước đây chưa tích cực, chưa cố gắng nay phải làm thật, thì mới có kết quả.

Tức là 3 khâu: Đào tạo bồi dưỡng, sử dụng, cũng như đãi ngộ. Bên cạnh đó phải mạnh dạn: Những người không đủ phẩm chất, năng lực không đủ để đảm bảo đổi mới thì phải thay thế. Quan điểm của tôi là đội ngũ phải đi trước, làm thật mạnh dạn.

TS Nguyễn Tùng Lâm.

Theo tôi, quản lý giáo dục phải phân cấp, giao tự chủ cho các nhà trường để họ đề bạt được những cán bộ quản lý, nhà quản lý giáo dục. Nghĩa là vừa là nhà quản lý vừa là nhà sư phạm, nhà giáo dục để nắm được đặc thù của giáo dục.

Đất nước phát triển kinh tế thị trường nhưng đối với giáo dục vẫn còn bao cấp theo kiểu quản lý tập trung, không giải phóng cho các cơ sở tự chủ và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, giáo dục.Giao quyền tự chủ và dân chủ trong giáo dục là khâu rất quan trọng.

Chất lượng giáo dục phải do chính là các nhà trường, các thầy cô giáo và người học quyết định. Để làm tốt, theo tôi phải mất vài năm, sau đó khi đã chặt chẽ thì sẽ “chạy” tốt.

Muốn nâng cao chất lượng nền giáo dục xuất phát từ đội ngũ giáo viên, nhưng giáo viên đang không đủ sống bằng lương chính thì làm sao toàn tâm với nghề, thưa ông?

- Vì thế tôi mới nói là cần đồng bộ, vừa đào tạo bồi dưỡng, sử dụng người ta nhưng cũng phải đãi ngộ cho thỏa đáng. Chứ người ta phải đi làm đủ thứ để kiếm sống còn dạy học là thứ phụ thì nguy hiểm lắm.

Nền giáo dục của ta so với các nước trong khu vực và mục tiêu mà ta hướng tới là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vậy chúng ta cần cơ chế nào để đột phá, thưa ông?

- Nói đến đột phá giáo dục bây giờ rất khó, bởi vừa rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định lấy đánh giá kiểm tra thi cử là khâu đột phá và làm trước. Nó cũng có tác động vì cách thi mới phải học thật và thi thật, nhưng cũng cần làm đến nơi đến chốn. Vấn đề theo tôi là vừa có đột phá để đi trước nhưng phải làm triệt để, đồng bộ chứ không thể làm từng phần một.

Thưa ông, học sinh của ta khi đi thi tại các kỳ thi quốc tế thường đạt giải rất cao, nhưng tại sao nhiều người tài như vậy song ta chưa phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao?

- Chúng ta phải hiểu rằng thi quốc tế người ta đòi hỏi cũng bình thường thôi. Các nước họ không tập trung “gà nòi”, bỏ hết các việc khác chỉ tập trung vào đi thi. Ai tình nguyện thì ghi tên, họ chọn lọc rồi cho đi. Nhiều trường chuyên của chúng ta cũng chủ yếu đào tạo để học nước ngoài, giải quốc gia, quốc tế.

Ngoài chương trình chung thì bao giờ các nước cũng chú ý đến những học sinh thực sự có tài năng và đầu tư cho phát triển đến nơi đến chốn. Ta xác định bao nhiêu tuổi thì vào đại học nhưng họ không quan tâm, mà theo năng lực sở trường đến đâu. Chiến lược người tài là một chiến lược quốc gia thì cùng cần có cơ chế để người ta làm đến nơi đến chốn.

Tức là, theo ông, muốn trọng dụng được người tài và nền giáo dục thật sự mạnh thì cần đổi mới đồng bộ với nhiều giải pháp?

- Đúng là cần triệt để chứ không thể nửa vời. Không tạo động lực cho người học, không buộc người học vào cuộc với chúng ta thì họ dựa vào gia đình, nhà nước, nhà trường rồi đổ lỗi cho khắp nơi. Như thế thì rất khó đổi mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)